Chiều 16-12 tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố Báo cáo diễn biến môi trường năm 2005. Đây được coi là cuốn ”cẩm nang” về môi trường cho nhà quản lý, hoạch định chính sách, các nhà khoa học, nghiên cứu và tất cả những ai quan tâm đến tình hình môi trường ở Việt Nam.
Bản báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia 2005 được xây dựng trên cơ sở nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường (BVMT) và các khó khăn thách thức trong thời điểm hiện nay, khi nước ta đang chuẩn bị thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2006-2010, trở thành thành viên chính thức của WTO.
Thực trạng môi trường hiện nay được nêu cụ thể:Môi trường nước lục địa ô nhiễm nước mặt, nước dưới đất đang ngày càng trở nên nghiêm trọng, đặc biệt là các lưu vực sông và các sông nhỏ, kênh rạch trong nội thành nội thị. Nước dưới đất cũng có hiện tượng ô nhiễm và nhiễm mặn cục bộ dẫn đến suy giảm nghiêm trọng cả về chất và về lượng đối với tài nguyên nước.
Môi trường nước biển cũng có nguy cơ ô nhiễm ngày càng rõ nét bởi hoạt động của con người, nhất là nơi có các khu dân cư đô thị tập trung và các cơ sở công nghiệp.
Môi trường không khí cũng đang bức xúc ở các đô thị, khu công nghiệp và một số làng nghề có tác dụng xấu đến sức khỏe con người, ảnh hưởng xấu đến hệ sinh thái và gây biến đổi khí hậu. Các chất nhiễm không khí chính là: SO2, NO2, CO, H2S, bụi lơ lửng, chì và các chất hữu cơ bay hơi. Theo số liệu quan trắc môi trường hiện nay không khí ở các đô thị lớn nước ta đã bị ô nhiễm bụi, khí CO nhưng chất lượng không khí ở các vùng nông thôn vẫn còn tốt.
Môi trường đất cũng bị ô nhiễm bởi sử dụng phân bón hóa học, ô nhiễm do thuốc bảo vệ thực vật, ô nhiễm do chất thải vào môi trường dẫn đến suy thoái đất và hoang mạc hóa. Theo số liệu của văn phòng điều phối Công ước chống hoang mạc hóa thì nước ta hiện có khoảng 7.055.000 ha đang chịu tác động mạnh bởi hoang mạc hóa tập trung ở các tỉnh miền trung; đất bị xói mòn ở Tây Bắc, Tây Nguyên; đất bị nhiễm mặn nhiễm phèn ở đồng bằng sông Cửu Long và đất khô hạn theo mùa hoặc vĩnh viễn tập trung ở Nam Trung Bộ.
Chất thải rắn hầu hết phát sinh tập trung ở các đô thị. Theo thống kê, lượng chất thải rắn sinh hoạt bình quân khoảng từ 0,6-0,9kg/người/ngày ở các đô thị lớn và dao động từ 0,4-0,5kg/người/ngày tại đô thị nhỏ. Còn chất thải nguy hại phát sinh từ họat động làng nghề, sản xuất công nghiệp, y tế. Tổng lượng chất thải rắn nguy hại từ làng nghề toàn quốc khoảng 2.400 tấn/năm (Bắc Ninh, Hà Tây, Hà Nội, Hưng Yên…). Lượng chất thải nguy hại y tế cần phải xử lý khoảng 34 tấn/ngày…
Đa dạng sinh học nước ta cũng đang đối mặt với các nguy cơ suy thoái do nhiều nguyên nhân như: chuyển đổi mục đích sử dụng đất thiếu quy hoạch; khai thác và sử dụng không bền vững tài nguyên sinh học; sinh vật ngoại lai xâm hại; ô nhiễm môi trường; cháy rừng; thiên tai…
Ngoài ra còn tai biến thiên nhiên và sự cố môi trường với bão, lũ lụt năm qua gây thiệt hại lớn về người và của.
Những vấn đề môi trường nổi bật năm 2004 và đầu 2005 đã được đề cập trong 5 chương của Báo cáo Hiện trạng môi trường 2005. Trong đó có đề xuất một số biện pháp nhằm giải quyết các vấn đề môi trường.
Ông Trần Hồng Hà, Cục trưởng Cục Bảo vệ Môi trường (Bộ TN&MT) cho biết, báo cáo sẽ là tài liệu hữu ích cho các đại biểu quốc hội, các nhà quản lý, hoạch định chính sách, các nhà khoa học, nghiên cứu và tất cả những ai quan tâm đến công tác BVMT ở Việt Nam.
Theo VietNamNet