Món ăn bài thuốc: Khi mệt mỏi đừng quên cháo cà rốt

Cà rốt là loại củ thường được dùng để chế biến các món ăn hàng ngày. Trong củ cà rốt có các loại tinh dầu và hàm lượng caroten cao nhất. Đây là loại dưỡng chất có khả năng chống oxy hóa mạnh. Vì vậy, cà rốt có thể được xem là loại thực phẩm lý tưởng giúp tăng cường sức khỏe và giảm nguy cơ bệnh tật.

Có rất nhiều cách chế biến món ăn với cà rốt. Sau đây, xin gợi ý 4 món ăn – bài thuốc từ cà rốt dễ chế biến để bạn đọc có thể áp dụng trong các bữa ăn hàng ngày.

Cháo cà rốt

Dùng 100g cà rốt cạo vỏ, thái lát to và 150g gạo tẻ vo sạch. Có thể cho thêm tim, gan lợn hoặc thịt và xương với liều lượng tùy ý, gia vị thích hợp. Cho thêm nước nấu thành cháo. Cháo cà rốt dùng cho các trường hợp thiểu dưỡng, suy nhược, phòng và điều trị huyết áp cao.

Gan lợn xào cà rốt

Cà rốt 100g gọt vỏ, thái lát. Gan lợn 100g thái lát. Thêm gừng, hành, gia vị, xào vừa chín là được. Ngoài caroten trong cà rốt, gan lợn là thực phẩm rất giàu vitamin A và sắt. Do đó, đây là món ăn rất tốt cho các trường hợp quáng gà, mờ mắt, giảm thị lực.

Tuy nhiên, đối với những người bị tăng cholesterol máu, xơ vữa động mạch, huyết áp cao và tiểu đường thì không nên dùng gan trong bữa ăn vì hàm lượng đạm trong gan là rất cao.

Canh cà rốt đại táo

 


Lương y Vũ Quốc Trung

Hầm 120g cà rốt cắt miếng vuông và 12 quả đại táo (hay còn gọi là táo tàu) cho đến khi chín, rồi nêm gia vị vào là được. Món canh này dùng cho các bệnh nhận ho gà, ho do viêm khí – phế quản và các trường hợp đầy bụng, ăn không tiêu.

Nước cà rốt

Lấy 200g cà rốt nấu lấy nước, dùng để uống nhiều lần trong ngày. Nước cà rốt dùng để giải độc cho các trường hợp đậu, sởi lúc mới khỏi phát ban. Có thể dùng cho thêm 100g mùi tây nấu lấy nước uống càng tốt.

Lưu ý, khi chọn cà rốt nên chọn những củ còn non, tươi, màu da cam đậm, củ thon nhỏ, hơi sần và có cuống to. Không nên chọn những củ cà rốt to và bóng bẩy vì đó không phải là cà rốt ta. Khi gọt vỏ không nên gọt sâu vì các vitamin và muối khoáng tập trung nhiều ở lớp vỏ ngoài của cà rốt.

Tư vấn bởi Lương y Vũ Quốc Trung – Phòng Chẩn trị Y học Cổ truyền chùa Cảm Ứng
Tâm Trí (ghi)
logo smaill

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.