Theo Đông y, vị ngọt đi vào tỳ (tụy) làm bổ tỳ vị, vị chua vào can (gan) để giúp gan thanh trọc giải độc. Vị cay có sức nóng vào phế (phổi) để làm ấm phổi, vì những ngày Tết thường vào tiết đại hàn nên rất lạnh, phổi dễ nhiễm hàn gây viêm họng sưng phổi. Vị đắng đi vào tâm (tim). Vị đắng có tính hàn vào tim để làm mát huyết, trong ngày Tết uống nhiều rượu dễ làm huyết nhiệt có thể làm đau đầu, tăng huyết áp. Vị mặn (muối) có tỷ trọng nặng nên đi xuống phía dưới vào thận để giúp thận thanh trọc, đào thải các chất cặn bã, đưa những chất độc ra khỏi cơ thể. Tinh dầu, mùi thơm giúp cho cơ thể phát tán để lưu thông khí huyết, đào thải các chất không cần thiết ra ngoài theo đường hô hấp và mồ hôi… để cân bằng âm dương trong cơ thể, giúp cho người luôn khỏe mạnh. Vì thế mà các món ăn ngày Tết không thể thiếu những chất có tác dụng bổ dưỡng, điều hòa âm dương khí huyết trong cơ thể để khỏe mạnh, ví như:
Dưa hành ngày Tết: hành trong Đông y gọi là “Thông bạch”, vị cay, nóng, có tác dụng thông dương khí đào thải uế khí, giải độc, làm lưu thông khí huyết, kinh lạc. Nó còn có tác dụng làm ấm tỳ vị và tiêu hóa chất mỡ. Có tác dụng làm giảm đau các khớp khi bị nhiễm lạnh. Cho nên các cụ xưa dạy: “Thịt mỡ đi đôi với dưa hành” để ăn trong những ngày Tết là với cái lẽ đó.
Măng ninh với chân giò: Đông y gọi măng là “Trúc duẩn”, vị ngọt hơi đắng, tính hàn không độc có tác dụng điều hòa tỳ vị, thanh nhiệt, giáng hỏa tiêu đờm, trị chứng khí nghịch, gây nôn ọe, ho nhiều đờm, nó còn có chất xơ làm cho thức ăn dễ tiêu hóa. Chân giò lợn, Đông y gọi là “Trư đề” có tác dụng bổ thận, bổ tỳ vị giải nhiệt, trị đơn độc. Hai món đó ninh nhừ ăn trong ngày Tết vừa bổ dưỡng, ngon miệng lại dễ tiêu hóa, trừ được đờm dãi.
Vịt tần với thuốc Bắc: thường gọi “Gia ác lục vị”(gia ác là thịt vịt, lục vị là sáu vị thuốc bắc – con số sáu người ta cho rằng là con số phát lộc). Món ăn này nhiều địa phương ở vùng Nam Trung bộ có tục ngày Tết không thể thiếu món hầm vịt với thuốc Bắc như: đảng sâm, kỷ tử, hoài sơn, liên nhục, táo đỏ (đại táo), ý dĩ (đảng sâm bổ khí, kỷ tử bổ thận, liên nhục hoài sơn vừa bổ thận vừa bổ tỳ vị, ý dĩ, đại táo vừa bổ tỳ vị vừa điều hòa tỳ vị làm cho món ăn tăng thêm tác dụng bổ dưỡng). Món ăn này để cúng tổ tiên nhưng cũng là món ăn bổ dưỡng, lại mang lộc đầu năm vào cho gia đình và cho mỗi người. Ở miền Nam Trung bộ, những ngày đầu xuân, nếu ai được ăn món này xem như là một sự may mắn.
Bánh chưng: là món không thể thiếu trong cỗ Tết đầu xuân. Trong thuyết âm dương ngũ hành, mùa xuân thuộc can (gan) thuộc mộc, thuộc tương sinh, ưa màu xanh, làm cho hai con mắt trong sáng. Trong Đông y, mắt là tinh hoa của gan, mùa xuân còn làm cho con người gân cốt mạnh hơn. Trong bánh chưng thường có gạo nếp mà Đông y gọi là Đạo mễ, Nhu mễ hay Dự mễ có vị ngọt tính ấm, mềm dẻo, mùi thơm, có tác dụng ích thận khí, bổ gan, làm cho gan mật lưu thông, tỳ vị mạnh lên để nuôi dưỡng toàn thân và làm mạnh gân cốt; Đông y gọi đậu xanh là Lục đậu có vị ngọt, tính mát, có tác dụng bổ tỳ vị, tim, gan, giải được các độc chất trong thức ăn. Đông y gọi thịt lợn là Trư nhục, có vị ngọt tính ấm, có tác dụng bổ thận tráng dương, phần thịt mỡ có tác dụng hấp thu và đào thải rượu; Đông y gọi hạt tiêu là hồ tiêu, vị cay tính đại ôn, có tác dụng làm ấm tỳ vị, kích thích tiêu hóa, giáng khí, trừ đờm, trị chứng đau bụng do hàn tích, ăn vào không tiêu hóa. Tất cả được gói trong lá dong màu xanh. Chữ dong có nhiều nghĩa nhưng có một ý nghĩa là trong xanh, trường thọ vì nó sống trong rừng sâu, được các cây cổ thụ che chở nên bốn mùa trong xanh, tươi tốt sống năm này qua năm khác, không bao giờ bị tàn héo. Đó là các thành phần có tính chất bổ dưỡng của bánh chưng mà bao lâu nay chúng ta ăn khen ngon nhưng chưa hiểu hết vai trò và tác dụng của bánh chưng trong ngày Tết.
Nguồn: Theo Sức Khỏe & Đời Sống
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.