Mona Lisa, người đàn bà bí hiểm trong bức kiệt tác của danh hoạ Leonardo da Vinci vào thế kỷ 16, ngồi làm mẫu lúc vừa sinh đứa con trai thứ 2, một chuyên gia mỹ thuật Pháp tuyên bố.
Phát hiện được thực hiện nhờ vào công nghệ hồng ngoại 3 chiều nhìn xuyên qua lớp sơn màu của tác phẩm.
Ảnh chụp 3 chiều bức hoạ với độ phân giải cao. (Ảnh: Reuters)
Bruno Mottin tại Trung tâm nghiên cứu và phục chế của Bảo tàng Louvre, Pháp, cho biết khi kiểm tra kỹ lưỡng bức vẽ, nhóm nghiên cứu đã nhận thấy rõ rằng chiếc váy của Mona Lisa được phủ một lớp vải voan trong suốt.
“Kiểu váy choàng mỏng tang này là rất điển hình vào đầu thế kỷ 16, được những phụ nữ Italy mặc khi mang thai hoặc vừa mới sinh con. Đó là điều đến nay chưa từng biết bởi bức vẽ có màu tối và rất khó kiểm tra”.
“Giờ chúng ta có thể nói rằng Leonardo da Vinci đã vẽ bức hoạ để mừng sự ra đời của người con trai thứ 2 của Mona Lisa, vào khoảng năm 1503”.
Người phụ nữ trẻ với nụ cười nửa miệng đã được xác định là Lisa Gherardini, vợ của nhà buôn Francesco de Giocondo ở Florentine. Nàng có 5 người con.
Mottin cũng cho biết ngược với quan niệm thông thường của mọi người, người đẹp không để tóc xoã tự do mà thực tế đã đội một chiếc mũ tròn bao trùm cả đầu.
“Mọi người luôn viết rằng Mona Lisa để tóc xoã qua vai. Điều này khiến các lịch sử gia ngạc nhiên bởi để tóc xoã tự do trong thời Phục Hưng chỉ dành cho những cô gái trẻ và phụ nữ thấp kém”, ông nói.
Các chuyên gia từ Viện nghiên cứu quốc gia Canada cho biết bức hoạ hiện trong tình trạng rất dễ hư hỏng, nhưng nếu được bảo quản kỹ lưỡng sẽ không bị xuống cấp.
Các nhà nghiên cứu hy vọng sẽ tìm hiểu rõ thêm về kỹ thuật “sfumato” – vẽ các sắc thái mờ hoà vào nhau để tạo nên hiệu ứng vầng hào quang. “Bức hoạ được tô vô cùng mỏng và phẳng, nhưng chi tiết của từng lọn tóc lại rất nổi bật. Vì vậy với chúng ta, kỹ thuật này vô cùng mới. Leonardo thực sự là một bậc thầy của chính mình”, nhà khoa học John Taylor nói.