Một đại dương nữa đang hình thành

Vết nứt dài 56 km tại châu Phi có thể trở thành đại dương mới trên trái đất.

Vết nứt – rộng hơn 6 m – được phát hiện trong sa mạc của Ethiopia vào năm 2005. Ngay khi đó một số nhà địa chất đã tin rằng nó có thể tạo ra một đại dương mới. Quan điểm này gây tranh cãi trong giới khoa học trong suốt mấy năm qua, song chưa có ai nghiên cứu vết nứt.

Livescience cho biết, một nhóm chuyên gia quốc tế đã tới Ethiopia để nghiên cứu nguyên nhân khiến vết nứt xuất hiện và tương lai của nó. Họ nhận thấy quá trình tạo ra vết nứt giống hệt những diễn biến đang xảy ra dưới các đáy đại dương. Điều đó chứng tỏ một đại dương mới đang hình thành ngay giữa lục địa đen. Khi vết nứt mở rộng, nó cũng sẽ chia cắt Biển Đỏ.

Nhóm nghiên cứu sử dụng dữ liệu địa chất từ năm 2005 để dựng lại quá trình hình thành vết nứt bằng mô hình giả lập. Kết quả cho thấy vết nứt được tạo ra sau khi một ngọn núi lửa hoạt động và phun dung nham lên mặt đất. Chỉ trong vài ngày vết nứt đã đạt tới chiều dài 56 km và nó vẫn đang tiếp tục tiến về hai phía (nam và bắc).

Vết nứt dài 56 km tại sa mạc Afar của Ethiopia. Ảnh: Đại học Leeds (Anh).

“Chúng ta đều biết rằng các lằn gợn khổng lồ dưới đáy biển được tạo nên khi dung nham núi lửa trào lên từ những vết nứt. Nhưng chúng ta chưa từng biết rằng một vết nứt cực dài có thể xuất hiện chỉ trong vài ngày”, Cindy Ebinger, giáo sư bộ môn khoa học trái đất và môi trường của Đại học Rochester (Mỹ), phát biểu.

Hai mảng kiến tạo châu Phi và Ảrập gặp nhau tại sa mạc Afar thuộc miền bắc Ethiopia. Trong suốt 30 triệu năm qua chúng đang tách ra với tốc độ khoảng 2 cm mỗi năm. Quá trình tách tạo nên Biển Đỏ và vùng lõm dài 298 km trên sa mạc Afar. Nhóm nghiên cứu cho rằng Biển Đỏ sẽ chảy vào đại dương mới trong khoảng một triệu năm nữa. Đại dương mới cũng sẽ nối Biển Đỏ với vịnh Aden. (một nhánh của biển Ảrập nằm giữa Yemen và Somalia).

 

Theo VnExpress (Live Science)