Đối với các phi thành gia trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS), khái niệm một ngày khá trừu tượng bởi mỗi 24 giờ, họ sẽ trải nghiệm 15 lần bình minh ló rạng khi ISS bay quanh trái đất.
Một ngày trên Trạm Vũ trụ Quốc tế cùng các phi hành gia
“Buổi sáng” của các thành viên phi hành đoàn trên ISS bắt đầu bởi một hồi chuông. Họ rời khỏi túi ngủ và bắt đầu một ngày mới.
Một ngày của phi hành gia trên ISS rất đặc biệt bởi họ trải nghiệm 15 lần bình minh ló rạng khi trạm bay quanh trái đất. (Ảnh: CNet)
Các phi hành gia mặc đồ nhanh nhất có thể. Công việc này tưởng chừng đơn giản nhưng thực chất không dễ dàng khi thực hiện trong môi trường không trọng lực. Do trạm vũ trụ không có máy giặt nên họ phải mặc “tiết kiệm” nhất có thể. Thông thường, 3 ngày họ thay đồ một lần. Những quần áo bẩn sẽ được cho vào túi nilon và gom lại một góc, chờ ngày về trái đất để giặt.
Trong môi trường không trọng lực, nước sẽ lơ lửng và bám chặt vào da người khiến việc kỳ cọ thân thể rất khó khăn. Để giải quyết vấn đề, các nhà du hành phải tắm bằng một chiếc khăn ướt. Sau đó, họ dùng máy hút để loại bỏ nước bám trên da thay vì sử dụng khăn lau hay máy sấy.
Đối với những người đàn ông làm việc trên trạm, cạo râu là một việc rắc rối và tốn thời gian bởi nước và kem lúc nào cũng bám chặt vào khuôn mặt. Nếu không cẩn thận, những đoạn râu sẽ trôi nổi khắp nơi, kẹt vào máy móc và gây hỏng hóc.
Đồ ăn khoái khẩu của phi hành gia thường là các món cay. Ảnh: CNet
Sau khi vệ sinh, bữa ăn đầu tiên trong ngày bắt đầu. So với thời con tàu Apollo thực hiện sứ mệnh đưa người lên mặt trăng, đồ ăn trên không gian đã đa dạng hơn. Tuy nhiên, theo Leroy Chiao, kỹ sư từng làm việc trên ISS, cho biết phần lớn thực đơn trên trạm vũ trụ là thức ăn dưới dạng lỏng. Bơ đậu phộng là món chủ yếu.
Với công nghệ mới nhất, các phi hành gia có thể thưởng thức bữa ăn trên bàn. Tuy nhiên, khi sống lâu trong môi trường không trọng lực, vị giác của họ kém đi. Vì vậy, món ăn ưa thích của họ thường là những thực phẩm cay.
Sau bữa ăn, phi hành đoàn sẽ bắt đầu làm việc. Chiao chia sẻ, công việc chủ yếu của họ là theo dõi các thí nghiệm hoặc thực hiện bảo trì thiết bị của trạm.
“Để sống trong không gian, con người cần nhiều máy móc phức tạp để hỗ trợ. Hàng ngày, mỗi người trong số chúng tôi sử dụng khoảng 0,9 kg oxy (O2) hoá lỏng và 2,7 kg nước. Nhằm giảm thiểu việc tiếp tế, mọi nhu yếu phẩm cần thiết đều được tái chế ở mức tối đa”, cựu phi hành gia nói với CNN.
Theo Chiao, nước tiểu và hơi ẩm là 2 thành phần được tái sử dụng nhiều nhất. Máy móc sẽ xử lý những thứ này bằng cách thanh lọc hoặc điện phân. Những chất lỏng hoặc khí không cần thiết sẽ bị thải ra ngoài khoảng không. Phân của con người không thể tái chế. Các phi hành gia gom chúng lại một chỗ, chờ khi trở về trái đất để xử lý.
Một ngày trên ISS khá bận rộn và mệt mỏi, đặc biệt khi phi hành đoàn phải vận chuyển các thiết bị nặng. Trạng thái không trọng lực không có nghĩa đồ vật sẽ mất khối lượng. Để đưa chúng đến vị trí cần thiết, các kỹ sư phải cố gắng thắng lực quán tính của đồ vật.
Giống như Trạm Vũ trụ Hoà Bình cũ của Nga, ISS có một máy chạy bộ và xe đạp tập thể dục. Trong môi trường không trọng lực, các cơ không cần đỡ khung xương nên chúng sẽ mất dần. Vì vậy, vài giờ tập luyện hàng ngày sẽ giúp các phi hành gia tránh một số bệnh nghề nghiệp sau khi về trái đất.
Hình ảnh trái đất nhìn từ cửa sổ Trạm Vũ trụ Quốc tế. (Ảnh: CNet)
Trước khi đi ngủ, mọi người trên trạm sẽ có một khoảng thời gian tự do. Họ có thể gửi thư điện tử về nhà, xem DVD hoặc các chương trình truyền hình. Tuy nhiên, một trong những thú tiêu khiển được nhiều người ưa chuộng nhất là ngắm nhìn trái đất từ không gian. Các phi hành gia nhận định trò này không bao giờ tẻ nhạt.
Hầu hết phi hành gia ngủ trong một túi gắn chặt với tường và gần quạt thông gió. Những luồng khí có thể khiến họ ngủ không ngon giấc nhưng nếu thiếu nó, khi tỉnh dậy, họ sẽ ở trong tình trạng thiếu O2 bởi lượng khí carbonic (CO2) mà họ thở ra cả đêm.
Quạt, bộ lọc khí cùng các thiết bị khác trên ISS khiến không gian không còn yên tĩnh. Vài người trong số họ phải nút tai khi đi ngủ. Tuy nhiên, mọi người cũng phải thích nghi dần với cuộc sống đặc biệt này.