Một tiểu hành tinh nổ đã ảnh hưởng đến khí hậu Trái đất vào thời kỳ Miocene

Một nhóm các nhà khoa học Mỹ đã tìm thấy dưới đáy biển dấu vết vụ nổ của một tiểu hành tinh to với những mảnh vụn trôi giạt đến Trái đất có thể khiến khí hậu ở hành tinh chúng ta trở lạnh cách đây 8,3 triệu năm.

Tiểu hành tinh Toutatis (Photo: Astrosurf)

Các nhà nghiên cứu ở Viện công nghệ California (Caltech) đã ghi nhận rằng vào cuối thời kỳ Miocene, trong các lớp trầm tích dưới biển nồng độ helium 3 cao gấp 4 lần so với bình thường.

Helium 3 là một chất đồng vị của helium, chất khí rất phổ biến trong vũ trụ thường được dùng để bơm các quả bóng trong hội chợ. Nguyên tử helium 3 được cấu tạo bởi 2 proton và 1 neutron, trong ki helium bình thường (He2) chỉ gồm 1 proton và 1 neutron.

Helium 3 rất hiếm trên Trái đất, nhưng những hạt bụi vũ trụ rơi xuống hành tinh chúng ta đã được gió Mặt Trời bổ sung He3 trong chuyến hành trình. Do đó, chất đồng vị này là một chất đánh dấu đáng tin cậy về cường độ những cơn mưa hạt bụi liên hành tinh rơi xuống Trái đất.

Nghiên cứu về lớp trầm tích ở Ấn Độ Dương và Đại Tây Dương chứng minh nồng độ helium 3 đã đạt đỉnh cao nhất trong hai lần là cách đây 35 triệu năm và 8,3 triệu năm. Nếu lần thứ nhất do tác động của các thiên thể, thì lần thứ hai phù hợp với vụ nổ một tiểu hành tinh to với đường kính trên 150 kilômét. Các mảnh vụn lớn nhất hiện nay đã tạo thành nhóm tiểu hành tinh Veritas ở cách Trái đất khoảng 300 triệu kilômét.

Gần phân nửa khối lượng của tiểu hành tinh trên có thể đã bị văng dưới dạng bụi với một phần rơi xuống hành tinh chúng ta. 5 tấn bụi này vẫn còn rơi xuống Trái đất mỗi năm.

Các giai đoạn khí hậu trở lạnh thường được giải thích bởi sự có mặt của những hạt bụi trong khí quyển – xuất phát từ núi lửa, sự va chạm giữa các thiên thạch, thậm chí sự ô nhiễm – làm tối khí quyển và phản chiếu bức xạ Mặt Trời.

 

Theo Thiên Nhiên VN