Một tiểu hành tinh lớn cỡ máy bay Boeing 747 vừa bay ngang qua Trái đất ở khoảng cách cực gần. Điều đáng nói là các nhà khoa học đã không phát hiện ra nó mãi cho đến 3 ngày sau.
Sputnik ngày 27/7 đưa tin các nhà thiên văn học phát hiện ra tiểu hành tinh trên hôm chủ nhật vừa qua, 3 ngày sau khi nó bay ngang Trái đất ở khoảng cách khá gần: 123.031km (bằng 1/3 khoảng cách giữa Trái đất và Mặt trăng).
Tiểu hành tinh này bay ngang Trái đất ở khoảng cách khá gần: 123.031km – (Ảnh: daily mail).
Được đặt tên 2017 001, tiểu hành tinh này ước tính dài 78m (cỡ chiếc máy bay chở khách Boeing 747), gấp ba lần thiên thạch từng lao vào bầu khí quyển của chúng ta vào năm 2013 và phát nổ trên bầu trời Chelyabinsk, Nga năm 2013 làm cửa kính vỡ hàng loạt khiến hàng ngàn người bị thương.
Rất may nó đã bay ngang Trái đất mà không gây sự cố. Nếu xảy ra va chạm, nó có thể khiến hàng trăm ngàn người thương vong như vụ nổ Tunguska năm 1908.
Theo Sputnik, vụ nổ Tunguska đã san phẳng một khu vực rộng 2.150km2 không có người ở Siberia và phát ra năng lượng mạnh gấp 1.000 lần quả bom nguyên tử thả xuống Hiroshima, Nhật Bản vào năm 1945.
Các nhà thiên văn học cho biết 2017 001 có bề mặt tối, không phản chiếu nên không thể quan sát bằng kính thiên văn, do đó họ đã không phát hiện nó sớm.
Theo CNET, từ đầu năm đến nay có khoảng 10 tiểu hành tinh bay gần Trái đất giống 2017 001, hầu hết chúng được phát hiện từ sớm.
NASA ước tính họ phát hiện ra 90% vật thể gần Trái đất (NEO) có chiều dài hơn 1km, ngoài ra còn có vô số NEO nhỏ hơn vẫn có thể gây thiệt hại lớn cho nhân loại nếu chúng va vào Trái đất.
Theo Tuổi Trẻ