Mùa hè ấm áp khiến cho Đế chế La Mã thịnh vượng

Một nghiên cứu mới của Viện Nghiên cứu Liên bang Thụy Sĩ vừa được tạp chí Science của Mỹ công bố cho thấy những mùa hè ấm áp có lẽ là chìa khóa cho sự thịnh vượng của Đế chế La Mã lúc bấy giờ.


Pháo đài của đế chế La Mã cổ

Trong khi tình trạng hạn hán kéo dài, các đợt rét đột ngột cùng với những thay đổi khí hậu khác có lẽ là một phần lý do gây nên những biến động lịch sử, từ cuộc xâm lược của người dã man (barbarian) dẫn đến sự sụp đổ của Đế chế La Mã cho đến đại dịch “Cái chết Đen” (bệnh dịch hạch) đã quét sạch gần nửa dân số châu Âu vào năm 1347.

Chuyên gia về cổ khí hậu học Ulf Buntgen, người đứng đầu nhóm nghiên cứu trên, cho biết: “Nhìn lại 2.500 năm về trước, chúng ta hiện có những mẫu vật cho thấy sự biến đổi khí hậu đã tác động đến lịch sử loài người“.

Ulf Buntgen và các đồng nghiệp đã thiết lập được một cơ sở dữ liệu gồm hơn 9.000 mẫu gỗ có niên đại cách đây 2.500 năm, chủ yếu thu thập từ Pháp và Đức trong hơn 30 năm qua.

Để có được mức nhiệt độ hàng năm, các nhà khoa học đã đo vòng tăng trưởng của các cây thông lọng sống ở vùng cao, trong khi để xác định lượng mưa, họ xem xét vòng tăng trưởng của những cây sồi sống ở vùng thấp.

Những kết quả trên là một hồ sơ để xác định thời tiết ở Pháp và Đức trong khoảng thời gian 2.500 năm về trước. Vào những thời điểm xã hội ổn định và thịnh vượng, như giai đoạn thịnh vượng của Đế chế La Mã từ năm 300 trước Công nguyên cho đến năm 200 sau Công nguyên, châu Âu đã trải qua những mùa hè ấm áp, ẩm ướt vốn rất lý tưởng cho phát triển nông nghiệp.

Những điều kiện tương tự cũng đã diễn ra vào những năm đỉnh cao của châu Âu thời Trung cổ từ giữa năm 1000 và 1200 sau Công nguyên.

Nghiên cứu còn cho thấy, biến đổi khí hậu và thảm họa thường song hành với nhau. Trong thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên, các đợt hạn hán kéo dài đã xảy ra đồng thời với những cuộc xâm lược của người dã man cũng như các biến động chính trị ở châu Âu. Trong khi vào khoảng năm 1300 sau Công nguyên, một đợt rét đột ngột kết hợp với những mùa hè ẩm ướt đã diễn ra trùng hợp với các nạn đói cũng như đại dịch “Cái chết Đen.”

Chuyên gia về khoa học Trái Đất David Stahle thuộc Đại học Arkansas cho rằng, nghiên cứu trên đã cung cấp một bằng chứng đặc biệt mới để hiểu thêm về lịch sử của các xã hội loài người. Trong các kỷ nguyên thịnh vượng, cây cối được khai thác nhiều để xây dựng nhà cửa và làm nhiên liệu, dẫn đến việc các nhà khảo cổ học ngày nay sẽ thu thập thêm được nhiều mẫu gỗ hơn.

Tại những thời kỳ khác, như những năm sau đại dịch “Cái chết Đen” và cái gọi là “Giai đoạn Di cư” từ giữa năm 300 và 600 sau Công nguyên, số mẫu gỗ giảm xuống gần như bằng không. “Đó là một thước đo các xu hướng nhân khẩu học thú vị và thực sự là phần nổi bật nhất của nghiên cứu trên,” Stahle kết luận.

Mặc dù những sự tương quan trên chưa chứng tỏ điều gì nhiều, nhưng các phát hiện mới đã giúp cho thấy cách thức tác động của khí hậu như là một trong những nhân tố đã làm thay đổi bộ mặt của Đế chế La Mã lúc bấy giờ.

 

Theo Vietnam+