Mùa này trồng gì: Quyết trồng bí đao vì 3 chữ dễ!

Bí đao từ lâu đã là thực phẩm ưa thích của nhiều gia đình vì người nấu cảm thấy dễ nấu, người ăn thì dễ ăn. Đây là loại quả bảo quản được khá lâu trong điều kiện bình thường. Bạn hoàn toàn có thể tự tạo một giàn bí đao xanh mướt mắt ngay trong vườn nhà, người trồng cũng sẽ thấy rất dễ trồng. Nếu gieo hạt vào thời điểm này thì rất có thể đến Tết bạn sẽ được cắn hạt bí thả ga.

 


 
Bí đao sinh trưởng rất mạnh mẽ, cần nhiều nước, tuy nhiên lại không chịu được ngập úng. Loại đất thích hợp trồng cây bí đao là đất tơi xốp (loại đất thịt nhẹ, cát pha), giàu chất hữu cơ và thoát nước tốt. Phân bón thường dùng cho bí đao là loại phân chuồng hoai mục, phân hữu cơ có thành phần NPK. Chế độ bón phân cho cây chia làm 2 giai đoạn: lúc đem cây con trồng xuống đất và lúc cây sắp làm giàn.

 

Các công việc cần chuẩn bị để trồng cây bí đao như sau:

Bước 1:“Chọn mặt gửi vàng”

Để “mơ tưởng” được đến chuyện sở hữu một cây xanh rì, trái to cầm trĩu tay thì phải trải qua bước đầu tiên rất quan trọng là việc chọn hạt giống. Nên chọn những quả to, tròn đều, không sâu bệnh để lấy hạt. Bổ đôi quả bí đao và dùng thìa nạo hết phần thịt mềm có lẫn hạt ở giữa, hạt bí to nên việc tách tương đối đơn giản. Hạt quả bí đao có màu trắng đục, có hình bầu dục thuôn nhọn một đầu. Sau khi tách được hết hạt ta rửa sạch và phơi khô khoảng 2-3 nắng sau đó đem bảo quản ở nhiệt độ thoáng mát chờ thời điểm đem gieo.

 


Hạt giống bí đao sau khi đã được tách khỏi phần thịt quả.

 

 


Công đoạn phơi khô hạt.

 

Bước 2:Gieo “niềm tin” vào đất

Trước khi gieo hạt, để chắc ăn hơn thì nên ngâm hạt giống vào nước ấm (2 sôi 3 lạnh) trong vòng 5 tiếng sau đó vớt ra rửa sạch nhớt. Gói hạt giống lại rồi cho vào khăn ẩm bọc lại và ủ hạt cho đến khi nào hạt nứt nanh. Cách này sẽ giúp cho hạt ít bị hư hại và tăng tỷ lệ hạt giống nảy mầm.

Sau khi hạt nứt nanh, bạn đem gieo vào những khay chuyên dụng để hạt phát triển thành cây non. Đất cho vào khay bao gồm đất sạch, phân chuồng hoai mục và trấu hoặc xơ dừa. Không nên gieo quá sâu (chỉ khoảng 1,5cm) và chỉ tưới vừa ẩm cho hạt mọc. Khoảng 5 ngày hạt sẽ nảy mầm thành cây con.

 

Cây con sau 5 ngày gieo trồng trong khay đã bắt đầu mọc ra 2 lá mầm.

 

Hạt giống từ 7 ngày trở đi sẽ phát triển rất nhanh. Chúng cần duy trì độ ẩm và ánh sáng mỗi ngày. Khi cây non có 1 – 2 lá thật thì đem trồng vào chậu hoặc vườn. Lúc này bạn cần loại bỏ những cây giống còi cọc, chọn lấy những cây giống khỏe mạnh.

 


Cây ra từ 1 đến 2 lá thật thì đem trồng vào chậu hoặc vườn.

 

Dùng đất thịt nhẹ tơi xốp để trồng các cây con. Sau khi cho cây con trồng ra chậu bạn nhớ bón lót cho cây một ít phân chuồng hoai mục hoặc phân hữu cơ nhẹ để cây thích nghi với điều kiện sống mới. Nên đặt chậu cây ở nơi có nhiều ánh sáng sẽ giúp cây quang hợp “quyết liệt”. Tầm 2 tuần cây sẽ đạt chiều cao khoảng 20 cm và bắt đầu xuất hiện tua cuốn. Khi tua cuốn xuất hiện bạn cần làm giàn cho chúng leo.

Bước 3:Dựng giàn để dễ “uốn éo”

Cây bí đao có thể cho bò trên mặt đất hoặc leo giàn đều được. Nhưng để cho năng suất cao nhất mà lại vừa dễ chăm sóc thì nên làm giàn cho chúng leo. Giàn có thể làm bằng lưới mắt cáo hoặc bằng tre, khoảng cách giữa các cây làm giàn từ 0,5 đến 1m là thích  hợp nhất. Cây bí đao sẽ bám giàn và leo rất nhanh nếu chăm sóc đúng cách. Dây bí trưởng thành dài từ 1,5 đến hơn 2m. Lúc này chúng bắt đầu ra hoa.

 



Khi cây bắt đầu xuất hiện tua cuốn là lúc ta cần chuẩn bị làm giàn.

 

 


Ngọn bí đao non với những tua cuốn xoăn tít và được bao phủ bởi một lớp lông trắng mịn.

 

 


Nhìn từ trên cao, lá cây bí đao có dạng gần giống hình sao, màu xanh đậm.

 

Bước 4: Đơm hoa kết trái

Sau khoảng 40 ngày sinh trưởng, khi thân dài 1,2 m thì bắt đầu ra hoa. Hoa cây bí đao là loại hoa đơn tính mọc ra ở chồi nách lá, khi nở có màu vàng năm cánh trông rất đẹp, thu hút khá nhiều ong bướm đến để thụ phấn. Tuy nhiên nếu trồng ở những nơi có ít côn trùng, bạn vẫn có thể tự thụ phấn cho cây được. Dùng que hoặc chổi nhỏ lấy phấn của hoa đực ở cây khác chấm lên hoa cái sẽ giúp cây thụ phấn và cho nhiều trái hơn. Chú ý thời kỳ ra hoa kết quả thì cây cần nhiều nước hơn bình thường.

 

Nụ hoa nhú ra từ chồi nách lá.

 

 


Hoa đơn tính cùng gốc thụ phấn nhờ côn trùng.

 

 


Để chắc ăn hơn thì hãy tự thụ phấn cho hoa.

 

Giai đoạn tiếp theo cũng là giai đoạn được mong chờ nhất, cuống hoa sẽ phình to lên một đoạn để kết trái. Quả non được bao bọc một lớp lông tơ mỏng và mịn, bạn nên tỉa bớt lá gần quả để giúp cho quả non đón nhận được nhiều ánh sáng. Đừng ngại ngùng thẳng tay loại bỏ những trái mới đậu bị dị dạng, bị sâu bệnh để tập trung nuôi dưỡng những trái khác khỏe mạnh hơn. Đó là bí quyết nho nhỏ mà không phải ai cũng làm theo, vì nhiều người hay có tâm lý “tiếc của”.

 


Vài ngày từ khi hoa nở, trái bí đao bắt đầu nhú ra.

 

 


Bí đao lớn dần cho đến khi đạt kích thước nhất định.

 

 


Quả bí đao dần chuyển sang màu xanh đậm, rụng lông và bao phủ một lớp phấn trắng.

 

Thời gian thu hoạch trái là từ 50 đến 60 ngày kể từ khi gieo hạt giống. Trái trưởng thành màu xanh đậm, trọng lượng trung bình đạt từ 2 đến 3 kg. Bạn đã có thể sử dụng trái bí đao vào nhiều mục đích khác nhau như để nấu ăn, làm nước giải khát và đặc biệt Tết đến bạn có thể trổ tài làm món mứt bí chiêu đãi cả nhà.

 


 
Bí đao cũng như những cây họ giàn leo khác thường gặp một số bệnh với loài sâu xanh, cuốn lá, rệp, v.v… Một số bệnh thường gặp như bệnh héo lá, sương mai và thối quả. Nên thường xuyên cắt tỉa lá già và bắt sâu để giúp cây khỏe mạnh. 

Xem thêm:Giảm cân bằng bí đao

Bài: Beng Beng
Ảnh: Happygarden, Growingweed
logo smaill
 
 
 
Mùa này trồng gì

Mùa này trồng gì: Cà tím nhé!
Tự tay trồng lựu: Đáng yêu và đáng ăn
Quá đơn giản để có “mỹ nhân mào gà”!

 

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.