Mưa sao băng đe dọa vệ tinh nhân tạo

Những vệ tinh nhân tạo như Trạm Không gian quốc tế, kính viễn vọng Hubble có thể hư hỏng bởi một trận mưa sao băng vào năm sau.

Ảnh minh họa: gadgetcrave.com.

Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cho hay mưa sao băng Draconids di chuyển qua quỹ đạo trái đất vào tháng 10 hàng năm. Theo Telegraph, vào tháng 10 năm sau loài người sẽ có cơ hội chứng kiến trận mưa sao băng Draconids mạnh nhất trong hơn một thập kỷ qua. Trận mưa sao băng đó sẽ kéo dài 7 tiếng đồng hồ, tạo nên vô số vệt sáng tuyệt đẹp khi chúng lao vào bầu khí quyển địa cầu. Theo một tính toán của NASA thì chúng ta có thể nhìn thấy vài trăm sao băng mỗi giờ từ ngày 8/10/2011.

Đó là tin vui đối với những người yêu thiên văn, song nó lại khiến các nhà khoa học của NASA lo lắng. Họ cho rằng bụi trong trận mưa sao băng có thể phá hủy các vệ tinh nhân tạo. Vì thế NASA đang nghiên cứu khả năng đổi quỹ đạo bay của Trạm Không gian quốc tế và kính viễn vọng không gian Hubble để chúng tới vị trí an toàn khi mưa sao băng diễn ra.

Tuy nhiên, nhiều vệ tinh nhân tạo khác sẽ khó tránh khỏi mưa sao băng. Chúng cung cấp các dịch vụ quan trọng như viễn thông, dự báo thời tiết, truyền hình, viễn thám. Ngoài tổn hại trực tiếp do va chạm với bụi, các thiết bị điện tử của vệ tinh còn có thể ngừng hoạt động do hiện tượng phóng tĩnh điện từ bụi.

Hàng năm số lượng sao băng trong trận mưa sao băng Draconids là tương đối thấp. Nhưng cứ sau khoảng 13 năm số lượng tăng lên rất mạnh do trái đất di chuyển qua khu vực có mật độ hạt bụi đậm đặc nhất trong mưa sao băng Draconids. Vào năm 1933, người trên trái đất có thể nhìn thấy 54.000 sao băng mỗi giờ trong điều kiện lý tưởng. Nhưng tới năm 1946 thì con số đó giảm xuống 10.000 sao băng mỗi giờ.

 

Theo VnExpress