Mùa xuân ở nhiều nơi đang muộn đi

Khi trái đất ngày càng ấm lên, lẽ thông thường sẽ là cây cối đâm chồi sớm hơn. Nhưng sự thực không đơn giản thế, khoảng 30% diện tích Bắc Mỹ đang đón xuân muộn hơn, có nơi muộn đến 3 tuần so với năm 1982. Trong khi ở hầu hết vùng phía trên của Bắc Mỹ, cây cối phủ xanh trở lại sớm hơn, có nơi đến hơn 3 tuần, thì phần dưới của Bắc Mỹ lại ngược lại.

“Đó thực sự là điều ngạc nhiên”, Xiaoyang Zhang từ Viện công nghệ tài nguyên trái đất ở bang Maryland, Mỹ, phát biểu, bởi các nghiên cứu trước kia thường chỉ ra rằng thực vật sẽ đâm chồi này lộc sớm hơn do trái đất ấm lên.

“Không ai nhận ra hiện tượng ấm lên có thể làm chậm lại quá trình thay lá mùa xuân”

Zhang đã phát hiện sự bất thường này khi kiểm tra các ảnh vệ tinh cho thấy màu thảm thực vật thay đổi theo mùa như thế nào trên khắp nước Mỹ, từ năm 1982 đến 2005. Ở trên vĩ tuyến 40 độ Bắc, cây cối trổ lá trung bình sớm hơn 0,32 ngày mỗi năm trong suốt thời gian trên. Nhưng ở dưới 31 độ Bắc, thực vật đâm chồi trung bình muộn hơn 0,15 ngày. Điểm duy nhất mà thay đổi khí hậu không gây ra hệ quả gì, là 35 độ Bắc.

Mô hình tương tự cũng xuất hiện khi Zhang kiểm tra số liệu về thời điểm cây tử đinh hương nở hoa mỗi năm.

Zhang cho rằng một số loài cây cần tiếp xúc với một đợt lạnh ngắn để đâm chồi. Thực vật ở vùng cao vĩ tuyến bắc vẫn có đợt lạnh này, nhưng với những cây ở bên dưới 35 độ vĩ bắc thì không, khiến cho chúng đâm chồi muộn hơn khi trái đất ấm lên.

Ở một số vùng, mùa xuân đến sớm hơn (dải xanh dần) trong khi những nơi khác lại muộn đi (đỏ dần). – (Ảnh: Xiaoyang Zhang)

Thuận An

 

Theo NewScientist, Vnexpress