Mực nước biển toàn cầu có thể tăng khoảng 30 cm trong thế kỷ này nếu khuynh hướng hiện tại vẫn tiếp diễn, một nghiên cứu mới đây cảnh báo.
Băng tan tại Nam Cực – một trong các nguyên nhân làm tăng mực nước biển (Ảnh: TTO) |
Bằng cách sử dụng các dữ liệu từ các trạm đo thủy triều trên toàn thế giới, các nhà nghiên cứu Australia vừa phát hiện mực nước biển tăng khoảng 19,5 cm từ năm 1870-2004, với tỷ lệ tăng nhanh nhất trong năm 50 cuối của giai đoạn này.
Phát hiện này phù hợp với dự các báo do Nhóm thay đổi khí hậu toàn cầu (IPCC) đưa ra. Trong bản báo cáo đánh giá thứ ba của mình vào năm 2001, IPCC dự báo mực nước biển trung bình toàn cầu tăng khoảng 9-88 cm từ năm 1990-2100.
Các ghi nhận cũng cho thấy mực nước biển đã và đang tiếp tục tăng. Tốc độ tăng trung bình trong cả giai đoạn từ 1870-2004 là 1,44mm/năm. Nếu khuynh hướng gia tăng này vẫn tiếp diễn, các nhà khoa học cảnh báo mức tăng trong thế kỷ 21 là 28-34cm.
Mực nước biển tăng làm tăng lũ lụt ở một số khu vực (Ảnh: TTO) |
Tiến sĩ John Church, tác giả nghiên cứu, cho biết mực nước biển tăng cao hơn có thể ảnh hưởng nặng nề lên một số khu vực. “Điều đó có nghĩa là sẽ tăng lũ lụt ở những khu vực ở thấp so với mực nước biển khi các cơn bão tràn qua, cũng có nghĩa là tăng xói mòn bờ biển và tăng lũ lụt ở các đảo quốc”, ông nói.
Hiện các nhà khoa học khí hậu nhất trí rằng việc tăng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính như CO2 là nhân tố chính làm tăng nhiệt độ toàn cầu. Và sự tăng nhiệt độ này đã dẫn tới mực nước biển tăng cao.
Tiến sĩ Church nói: “Chúng ta phải giảm lượng khí thải của chúng ta nhưng cũng phải thừa nhận rằng sự thay đổi khí hậu đang diễn ra, và chúng ta phải thích nghi với điều đó”.
Theo Tuổi trẻ Online