Mực nước biển tăng nhanh hơn dự báo

Mực nước biển toàn cầu đang gia tăng với tốc độ nhanh hơn so với dự đoán của giới khoa học, do tình trạng băng tan chảy nghiêm trọng ở hai địa cực. 

Khoảng 600 triệu người sống ở các vùng đất thấp phải hứng chịu hậu quả nếu mực nước biển tăng thêm vài cm. Ảnh: Boston Globe.

Trong hội nghị về khí hậu tại thành phố Copenhagen hôm nay, các nhà khoa học khẳng định mực nước biển có thể tăng thêm một mét trước năm 2100, cao hơn nhiều so với dự đoán của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC). Họ cho rằng các mô hình dự báo của ủy ban này không tính tới tác động tiềm tàng của hiện tượng tan băng ở hai cực.

Giáo sư Konrad Steffen (Đại học Colorado, Mỹ) tham dự hội nghị đã nhắc tới một số nghiên cứu mới về hiện tượng tan băng ở đảo Greenland, theo đó băng đang biến mất với tốc độ ngày càng tăng trong vòng 10 năm qua. Trong khi đó, tiến sĩ John Church (Trung tâm nghiên cứu thời tiết và khí hậu Australia) cho biết: “Nghiên cứu gần đây nhất cho thấy mực nước biển tăng thêm 3 cm kể từ năm 1993, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trung bình của thế kỷ 20”.

Theo nhận định của các nhà khoa học, mực nước biển sẽ dâng lên với tốc độ tăng dần do hành tinh ngày càng nóng hơn. Dự báo này có ý nghĩa quan trọng đối với những cộng đồng dân cư dọc bờ biển. Tại thành phố Lowestoft (duyên hải miền đông nước Anh), một quan chức của cơ quan bảo vệ môi trường nói rằng ngay cả mức tăng khiêm tốn của nước biển có thể gây nên tác động to lớn.

“Nói một cách đơn giản thì sẽ chẳng có vấn đề gì xảy ra nếu mực nước biển thấp hơn đập chắn sóng 10 cm. Nhưng thảm họa khủng khiếp sẽ xảy ra nếu nó cao hơn đập chắn sóng 10 cm”, quan chức này giải thích.

Hiện có khoảng 600 triệu người, chiếm 10% dân số thế giới, sống ở những vùng đất thấp hơn mực nước biển.

 

Theo VnExpress (BBC)