Người dân Italy lo ngại kế hoạch khoan sâu vào lòng núi lửa nhằm phục vụ công tác nghiên cứu của một nhóm nhà khoa học có thể kích hoạt một vụ phun trào dữ dội.
Mysterious Universe hôm 5/9 đưa tin, các nhà nghiên cứu núi lửa công bố kế hoạch khoan sâu khoảng ba km vào siêu núi lửa Campi Flegrei ở thành phố Naples, Italy.
Năm 2008, một nhóm nhà khoa học từng đề xuất kế hoạch khoan sâu 3,5m vào núi lửa Campi Flegrei để lấy mẫu và lắp thiết bị địa chấn. Họ đã khoan thử nghiệm tới độ sâu 500m trước khi dự án bị đình chỉ vào năm 2010 do vấn đề an toàn.
Các nhà khoa học Italy lên kế hoạch khoan sâu ba km vào núi lửa Campi Flegrei để nghiên cứu. (Ảnh: wikia.com).
Mới đây, tiến sỹ Stefano Carlino thuộc Viện nghiên cứu quốc gia về Địa vật lý và Núi lửa đã tập hợp lại nhóm nghiên cứu để tiến hành thử nghiệm mới. Họ lắp đặt thiết bị cảm biến quang học ngoài biển Naples để theo dõi hoạt động của dung nham. Carlino cho biết ông không lo lắng bởi mũi khoan chỉ sâu khoảng ba km, trong khi bể dung nham núi lửa nằm ở độ sâu 8km.
Tuy nhiên, kế hoạch mới tiếp tục bị trì hoãn do giới chuyên gia và người dân thành phố Naples lo sợ núi lửa Campi Flegrei sẽ bị đánh thức, gây ra thảm họa mới với con người.
Trong lịch sử, Campi Flegrei từng gây ra hai vụ phun trào lớn, gồm vụ Neapolitan Yellow Tuff cách đây 15.000 năm và vụ Campanian Ignimbrite cách đây 39.000 năm. Cả hai lần phun trào dữ dội này đều dẫn tới biến đổi khí hậu toàn cầu. Trong đó, vụ phun trào Campanian Ignimbrite khiến nhiệt độ Trái Đất giảm được cho là nguyên nhân dẫn tới sự tuyệt chủng của người Neanderthal. Lần hoạt động gần đây nhất của núi lửa Campi Flegrei vào năm 1538 tạo ra ngọn núi mới mang tên Monte Nuovo.
Ngày nay, núi Monte Nuovo và khu vực xung quanh thường xuyên trải qua các đợt dư chấn. Vùng đất ở Pozzuoli, cách thành phố Naples 15km về phía tây, liên tục dịch chuyển và nâng lên trong suốt 50 năm qua, khiến 36.000 cư dân phải sơ tán.
Theo VnExpress