Thế nào là đồng hồ cơ, thế nào là đồng hồ quatrz? Đọc hiểu các thông số của một chiếc đồng hồ ra sao? Đây là bài viết mà bạn cần đọc.
Kiến thức cơ bản về đồng hồ bạn nên biết
Những chiếc đồng hồ ngày nay không chỉ để xem giờ, nó còn là vật trang sức cho cả hai phái, là đồ vật biểu trưng rõ nhất cho tính cách và giá trị của người đeo. Tuy nhiên phần lớn trong chúng ta vẫn chỉ có duy nhất 1 định nghĩa hết sức cơ bản như sau: “Đồng hồ là vật đeo trên cổ tay để xem giờ”, mà chưa biết là chúng có những loại nào, đọc hiểu thông số cơ bản ra sao? Bài viết này sẽ cho bạn những kiến thức cơ bản nhất và cũng là quan trọng nhất để có thể thực sự hiểu thế nào là đồng hồ.
1. Phân loại
Đồng hồ hiện đại có 3 loại Đồng hồ cơ, Đồng hồ Quartz, Eco-Drive của Citizen và Đồng hồ thông minh (smart watch).
Đồng hồ sử dụng công nghệ Eco-Drive, không dùng Pin, chạy hoàn toàn bằng năng lượng được tạo ra từ bất kỳ nguồn ánh sáng nào, từ ánh sáng mặt Trời hay ánh sáng tự nhiên, nhân tạo.
Đồng hồ cơ là loại đồng hồ sử dụng máy chạy bằng dây cót, không có sự tham gia của thiết bị điện tử. Các máy đồng hồ thường là có nhiều chân kính như 17, 21, 25.
Có 2 loại đồng hồ cơ, một là loại lên dây cót bằng tay (Handwinding) và loại còn lại là lên dây tự động (Automatic) – sử dụng chuyển động của cổ tay người đeo để duy trì năng lượng.
Hoạt động của bộ máy 1 chiếc đồng hồ cơ Seiko.
Đồng hồ Quartz là loại máy đồng hồ chạy bằng xung động từ trường thông qua nguồn năng lượng từ pin. Ví dụ như dòng đồng hồ G-Shock và Edifice của Casio đều là đồng hồ điện tử (Quartz).
Để phân biệt đâu là đồng hồ chạy cơ, đâu là đồng hồ Quartz có một chi tiết đó là hãy nhìn vào kim giây. Đồng hồ cơ luôn có kim giây trôi mượt mà, còn đồng hồ Quartz thì phần lớn đều có kim giậy chạy kiểu giật cục. Để dễ hiểu, các bạn có thể xem hình sau:
Bên trái là cơ, bên phải là Quartz.
Đồng hồ thông minh (smart watch): Hiện tại chưa có định nghĩa chính xác nhất về loại đồng hồ này, nhưng có thể hiểu nôm na là loại đồng hồ chạy bằng pin, ngoài chức năng xem giờ còn được trang bị thêm nhiều tính năng phụ trợ khác như hiển thị tin nhắn, cuộc gọi, kết nối với smartphone hay đơn giản chỉ là theo dõi sức khỏe.
Ví dụ: Apple Watch.
2. Các thông số kỹ thuật cơ bản của một chiếc đồng hồ
Ở đây người viết chỉ đưa ra những kiến thức cơ bản nhất, không mang nặng tính kỹ thuật để bất cứ ai cũng có thể nắm rõ qua 1 lần đọc nhưng vẫn đảm bảo tiêu chí vừa đủ để độc giả có thể hiểu về 1 chiếc đồng hồ.
Nói về đồng hồ, quan trọng nhất là bộ máy (movement), đây là thành phần có giá trị nhất trong một chiếc đồng hồ. Phổ biến hiện nay có máy Thụy Sỹ là cao cấp nhất (Swiss Movement; Swiss Quartz), phổ cập nhất là máy Nhật Bản (Japan Movement; Japan Quartz) và loại rẻ tiền là máy Trung Quốc (China Movement).
Ví dụ: Chiếc đồng hồ cơ Automatic Seiko SKX009 sử dụng bộ máy 7s26s với 21 chân kính (21 Jewels), con số chân kính càng nhiều thì chứng tỏ bộ máy càng tốt.
Các thông số đáng quan tâm nhất khi xem 1 chiếc đồng hồ:
Đầu tiên đó là kích thước, có 2 cách ghi phổ biến, 1 là đo theo đường kính bề mặt (có tính núm hoặc không tính núm) – case diameter (with crown) | (without crown).
Có một công thức để chọn cỡ đồng hồ phù hợp như sau, hãy dùng nó để tham khảo:
Chu vi cổ tay / 4.5 = cỡ đồng hồ tối ưu.
Chu vi cổ tay / 4 = cỡ đồng hồ tối đa.
Chu vi cổ tay / 5 cỡ đồng hồ tối thiểu.
Để biết một chiếc đồng hồ có bị quá to so với tay hay không thì chúng ta cần xem thông số Lug to Lug, nếu thông số này vượt quá chiều dài bề mặt cổ tay của người đeo thì đeo lên sẽ rất xấu.
Lug Width: Đây là thông số ta cần nắm được để biết đồng hồ sử dụng cỡ dây đeo bao nhiêu, thường sẽ có các kích thước phổ biến 16mm, 18mm, 20mm, 22mm, 24mm,…
Chất liệu cấu thành:
– Kính đồng hồ:
Kính khoáng (Mineral glass): Có khả năng chống xước nhẹ.
Kính cứng (Hardness glass): Chống xước khá.
Kính tráng Sapphire (S. Sapphire): Chống xước tốt.
Kính Sapphire (Sapphire glass, Sapphire crystal): Chống xước gần như hoàn hảo, thường trang bị ở những đồng hồ cao cấp.
Không nhất thiết phải mua kính bằng Sapphire vì những đồng hồ trang bị kính sapphire thường có giá cao hơn hẳn. Kính cứng được trang bị phổ biến có khả năng chống xước trong các hoạt động thường ngày rất ổn, và nếu xước nhiều quá có thể đem đi đánh bóng lại.
– Vỏ đồng hồ:
Vỏ mạ (Base metal) là loại vỏ làm từ thép thường, hoặc đồng, hoặc Antimol để mạ. Loại này sau 1 – 3 năm sẽ bị bong tróc. Để nhận biết, hãy xem mặt đáy có ghi Stainless Steel Back hoặc Base Metal hay không.
Vỏ thép Inox hay thép không gỉ: Đây là vật liệu phổ biến nhất với đồng hồ hiện nay, ưu điểm của loại này là bền, chi phí sản xuất rẻ. Nhận biết bằng dòng chữ Stainless Steel hoặc All Steel.
Các loại vỏ khác: Vỏ bằng Carbon, bằng gốm, Nhôm hay thậm chí là titanium chỉ xuất hiện trên các đồng hồ siêu cao cấp để tăng giá trị cho đồng hồ.
– Dây đeo:
Các loại dây đồng hồ phổ biến hiện nay:
Dây Inox hay thép không gỉ (Stainless Steel): Bền, không bị oxy hoá hay gỉ.
Dây mạ: Là loại dây làm bằng thép thường hoặc bằng đồng, được mạ bóng. Loại dây này theo thời gian sẽ bị oxy hoá.
Dây hợp kim Titanium: Nhẹ, bền, không oxy hoá.
Dây da (Leather Band): Có nhiều loại, làm từ các loại da khác nhau (ví dụ: dây da đà điểu, kì đà, cá sấu,…).
Dây nhựa, dây vải, dây cao su: Loại này lại được sử dụng khá rộng rãi, từ đồng hồ rẻ tiền đến những chiếc cao cấp nhất.
Video: Các công đoạn tháo tung một chiếc đồng hồ Rolex