Người luôn đam mê hết mình với con trẻ
Hơn 30 năm công tác trong ngành giáo dục, Tiến sĩ Đặng Thị Thu Thủy hiện là cán bộ nghiên cứu thuộc viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, đồng thời là Giám đốc một trung tâm nghiên cứu của Viện. Từng là giáo viên giỏi và có nhiều cống hiến với ngành, bà còn viết trên 50 bài báo, sách tham khảo, sách chuyên khảo, trong đó có nhiều sáng kiến, đề tài nghiên cứu khoa học được ứng dụng trong thực tế, đặc biệt là những công trình về ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, về bản đồ tư duy,… đã được phổ biến đến hệ thống giáo dục phổ thông trên cả nước.
Bà cũng là chủ biên, đồng tác giả của hơn 30 đầu sách tham khảo về ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, sách về Bản đồ tư duy cho cả 3 cấp học (tiểu học, THCS, THPT), sách về phương tiện dạy học, sách về kiểm tra đánh giá,… Đặc biệt bà là người đam mê, cháy hết mình trong những giờ giảng, giờ thuyết trình về đổi mới phương pháp dạy học, về nghệ thuật sư phạm trong quản lí học sinh, về ứng dụng công nghệ thông tin, bản đồ tư duy và thuyết trí thông minh đa dạng (đa trí tuệ) trong giáo dục học sinh, phong cách học tập của học sinh, về tạo động lực, niềm tin cho tuổi trẻ,…
Nhà giáo Ưu tú – Tiến sĩ Đặng Thị Thu Thủy. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Nghe qua những thành tích, những cống hiến trên, có thể nhiều mẹ sẽ cảm thấy có gì đó “cứng nhắc, khô khan”, nhưng thực sự, có gặp trực tiếp Tiến sĩ Thu Thủy mới thấy, bà thực ra là người rất thân thiện, gần gũi và trẻ trung hơn rất nhiều so với độ tuổi của mình. Đặc biệt, qua trò chuyện mới thấy được hết những tâm huyết, đam mê của bà dành cho con trẻ lớn như thế nào.
“Tâm huyết của tôi là một làm một điều gì đó, để các bà mẹ cũng như những người lớn khi nuôi dạy trẻ có một góc nhìn để thắp lên những điểm sáng trong mỗi đứa trẻ. Bởi như tôi đã nói, bất cứ trẻ nào cũng có những điểm mạnh, điểm nổi bật, quan trọng là bố mẹ, người lớn biết khích lệ, biết khơi gợi để những điểm sáng đó bùng lên…” – Tiến sĩ Thủy nói.
Mong muốn khơi dậy tiềm năng ở lớp trẻ
Ở Việt Nam, Tiến sĩ Đặng Thị Thu Thủy là một trong những người đầu tiên nghiên cứu và đưa phương pháp Bản đồ tư duy vào giảng dạy ở trong nước. Bà cũng tự bỏ tiền ra mua bản quyền Mind map của Tony Buzan để phục vụ cho việc nghiên cứu, với mong muốn học sinh có một công cụ hữu ích, tiện ích để ghi nhớ tốt nhất, giúp nâng cao hiệu quả học tập.
Về “đứa con tinh thần” – Bản đồ tư duy – đã dày công nghiên cứu, Tiến sĩ Thủy nói: “Tại sao nên học cách dùng bản đồ tư duy? Vì não người không sắp xếp thông tin theo dòng và cột ngăn nắp, mà não tư duy lan tỏa theo mọi hướng. Do đó, một bài học được thể hiện bằng một bản đồ tư duy khi nhìn vào sẽ lan tỏa theo mọi hướng, trẻ có thể nhìn theo hướng nào cũng được và không bắt buộc phải nhìn theo dòng, theo cột, từ trái sang phải, từ trên xuống dưới,… vì thế, khả năng ghi nhớ thông tin sẽ hiệu quả hơn rất nhiều…”
Bản đồ tư duy – công cụ giúp vận dụng tối đa tư duy cũng như cách thức mà não bộ hoạt động.
Là người yêu công việc, say mê nghiên cứu,
“nghiện sách”, luôn cháy hết mình trong những giờ giảng, những buổi thuyết trình với khát khao là “truyền được cảm hứng cho
người nghe, đưa lại được những điều bổ ích nhất cho họ”. Phương châm xuyên suốt của Tiến sĩ – Nhà giáo Ưu tú Đặng Thị Thu Thủy là truyền lửa cho người nghe và tạo niềm
tin, tạo động lực cho học sinh được chú trọng hàng đầu. Với cha mẹ học
sinh thì đó là “tư duy tích cực”, là nghệ thuật khích lệ con em mình.
Đặc biệt, với mong muốn con trẻ được học tập với niềm vui, sự thích thú để phát huy hết những khả năng, những điểm mạnh của bản thân để đi tới thành công, thay vì phải chịu những áp lực, những sự ép buộc từ người lớn, Tiến sĩ Thủy đã dồn công sức, tâm huyết vào nghiên cứu cũng như đưa ra những bài viết giúp phụ huynh có được những góc nhìn mới nhất, đầy đủ nhất để khích lệ, động viên con cái học tập và phát triển trí thông minh, năng lực tiềm tàng.
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.