Muốn giải thoát cho bố mẹ khỏi cuộc sống gượng gạo, ép buộc và hạnh phúc giả tạo

0
110
Muốn giải thoát cho bố mẹ khỏi cuộc sống gượng gạo, ép buộc và hạnh phúc giả tạo

18 tuổi khi đã bắt đầu nhận thức về cuộc sống đúng nghĩa và vốn dĩ của nó, tôi mong muốn bố mẹ mình hãy chia tay, hãy giải thoát cho nhau. Tôi chán cuộc sống gia đình ngột ngạt, giả tạo, chán sống trong vỏ bọc của một gia đình hạnh phúc lắm rồi. Có lẽ, bố mẹ cũng vì sợ tôi sốc hay chán chường nên mới duy trì cuộc hôn nhân không tình yêu lâu đến như vậy. Nhưng họ đâu biết rằng để tôi sống trong ảo tưởng về một gia đình hạnh phúc, bong bóng xà phòng lại càng nhẫn tâm và độc ác gấp bội.

Nếu như cách đây 3 năm, tôi không sống chết dọa bỏ nhà đi bụi, dọa nghỉ học thì có lẽ bố mẹ tôi đã ấm êm với hạnh phúc mới của mình. Ngày ấy, gần như ngày nào bố mẹ cũng cãi nhau, cũng đánh chửi nhau ầm ĩ. Chứng kiến những cảnh tượng ấy, nghe những câu xúc phạm, chửi rủa và phỉ báng nhau của hai con người từng là vợ chồng, từng là niềm hãnh diện hạnh phúc của nhau thì tôi thấy chán nản, chẳng thiết tha gì với cuộc sống nữa. Có lẽ, ở thời điểm năm ấy, cả bố và mẹ đều nhận thấy hạnh phúc đích thực của mình không phải ở căn nhà này nữa rồi. Mẹ tôi thì nói bận làm ăn, tiếp xúc đối tác nên đi suốt ngày, thậm chí thâu đêm suốt sáng. Mỗi lần mẹ ra khỏi nhà, bà trang điểm kỹ càng, trau chuốt quần áo như đi “trẩy hội”, sức nước hoa thơm lừng, miệng líu lo ca hát và đón mẹ là một người đàn ông với chiếc xe sang trọng. Ngày ấy tôi đã hiểu rằng, đi tiếp đối tác làm ăn đâu cần yêu đời, vui vẻ, mắt long lanh hạnh phúc đến vậy. Mỗi lần nhìn mẹ ra khỏi nhà, mắt tôi lại ngân ngấn nước chực khóc. Rồi mỗi khi mẹ ra ngoài về, bố mẹ lại chửi nhau, lại quát nạt chất vấn nhau: đi đâu, làm gì, ở đâu… có những lần tôi nghe mẹ nói “ừ đấy, nếu tôi không làm vậy, anh có cơ ngơi như ngày nay không”. Rồi bố lại im lặng, vùi mình trong khói thuốc và rượu mạnh. Nhiều lần tôi thấy bố nằm trên sopha, nước mắt lăn trên má như vô định. Dù không hiểu hết mọi chuyện nhưng tôi hiểu bố đang đau lắm, buồn lắm.

Muốn giải thoát cho bố mẹ khỏi cuộc sống gượng gạo, ép buộc và hạnh phúc giả tạo
Tôi đã chứng kiến những cảnh tượng ấy, nghe những câu xúc phạm nhau của bố mẹ.

Ngày nào, tuần nào cũng chứng kiến bố mẹ chửi nhau, cãi nhau tôi chán nản vô cùng. Trong khi đến nhà bạn bè chơi, bố mẹ họ quấn quýt tình cảm thì ở nhà tôi lại vậy. Tôi thấy xấu hố, tự ti về gia đình của mình, chẳng khi nào dám mời bạn bè về nhà chơi. Tôi mang tiếng là một tiểu thư nhà có điều kiện nhưng luôn sống co mình với bạn bè, dần dà, tôi trở thành trầm cảm. Đã nhiều lần lắm, tôi nghĩ đến cái chết, muốn quên đi cuộc sống hiện tại. Và ít nhất 1 lần tôi đã tự sát nhưng bố phát hiện và đưa đi cấp cứu kịp thời. Có lẽ đọc thư để lại của tôi bố mẹ hiểu tôi chán cuộc sống, chán những tiếng cãi nhau hằng ngày của họ và hơn hết, chính sự vô tư đến vô tâm của họ tạo nên cho tôi nỗi đau không thể cứu chữa.

Sau khi đón tôi từ cõi chết trở về, không khí gia đình khác hẳn, bố mẹ tôi vui vẻ, cười đùa, nói chuyện với nhau điềm đạm hơn. Ở thời điểm đó, tôi không nhận ra đó là sự diễn kịch của họ, chỉ nghĩ đơn giản rằng, vì sơ tôi tự sát, sợ tổn thương tôi nên họ làm hòa và tha thứ cho nhau. Tôi đã vui và hạnh phúc biết nhường nào khi được sống trong gia đình vui vẻ. Bố, mẹ thay nhau đưa đón tôi đi học, cả gia đình ăn cơm cùng nhau, trò chuyện. Phải nói bố mẹ tôi là những diễn viên tài ba, suốt 3 năm trời tôi đã ngộ nhận hạnh phúc, niềm vui đã trở lại gia đình tôi. Tôi cố gắng vui vẻ, nỗ lực học hành và thật may, tôi vực dậy được cả tinh thần và lực học. Tôi từ một học sinh trung bình trở thành học sinh giỏi và thi đậu đại học với điểm khá cao. Tôi vui, bố mẹ vui mừng như trút đươc gánh nặng. Rồi dần dần, họ lại xao nhãng với gia đình, cuộc sống hơn. Mới đầu, tôi cho là bố mẹ nghĩ tôi đã trưởng thành hơn, không cần quan tâm nhiều nữa. Nhưng thực tình, mục đích của họ chỉ để tôi cố gắng không sa sút học hành, không bi quan chán nản mà thi đậu đại học mà thôi.

Kể từ khi tôi là sinh viên, mẹ tôi vắng nhà cũng nhiều hơn. Tôi lại gặp mẹ được đưa đón trên những chiếc xe sang trọng. Bắt gặp những thỏi son với màu không phải là của mẹ trong xe của bố. Thậm chí, còn nhìn thấy bố ôm eo, khoác tay với một cô gái khác đi mua đồ ở siêu thị. Rồi trong gia đình lại có tiếng cãi vã, có xô xát. Bố mắng mẹ là đàn đúm, trơ trẽn cặp bồ. Còn mẹ chửi bố rút tiền công ty mang cho gái. Cách đây mấy hôm thôi, họ cũng cãi nhau kịch liệt. Nghe chừng như, bố lấy tiền mua nhà cho cô nhân tình, mẹ không đồng ý. Họ cãi nhau từ khi nào tôi không rõ, nhưng bước chân về nhà sau buổi học thêm, tôi nghe rành rọt từng câu chữ của mẹ “anh im đi, tôi chẳng còn yêu thương gì loại chồng như anh cả. Nếu không vì sợ con A (tên tôi) suy sụp, làm liều thì tôi đã tống cổ anh lâu rồi. Anh nghĩ anh báu bở, giỏi giang lắm sao. Không có tôi mang thân đi mau quan hệ liệu anh có thể làm ăn được không? Không có con ở nhà anh cứ nói thẳng đi”. Còn bố cũng đáp trả không kém “Tôi cũng thế, nếu không vì con tôi cũng bỏ cô lâu rồi. Cô là loại đàn bà lẳng lơ, thằng nào cô cũng lên giường được. Tôi cần vợ chứ không cần gái bán hoa cô hiểu không”. Nghe từng từ mà chân tôi run rẩy, không đứng nổi nữa. Ba năm qua tôi đã nghĩ “gương vỡ lại lành” ai ngờ họ chỉ cố sống cố diễn kịch là vì sợ tôi làm liều, học hành sa sút. Có lẽ chính tôi mới là người có lỗi, vì ích kỷ của bản thân, tôi cố ép bố mẹ sống với nhau gượng gạo, bằng mặt không bằng lòng. Tôi khóc, chạy ra khỏi nhà đi lang thang suy nghĩ và nhận ra mình đã sai khi cố ghép hai người hết tình cảm sống với nhau. Tôi yêu cả bố và mẹ, dù cho họ đối xử với nhau ra sao thì họ vẫn yêu tôi, vì tôi rất nhiều. Tôi đã lớn đã có những rung động của mình nên tôi hiểu tình cảm là thứ không thể ép buộc, vậy mà vì tôi bố mẹ đã ép buộc tình cảm của mình. Tôi muốn giải thoát cho bố mẹ khỏi sư gượng gạo này, nhưng chưa biết phải làm sao.

Nước mắt tôi rơi không ngừng khi nghĩ, những ngày cuối năm là thời khắc đoàn tụ nhưng với gia đình tôi lại là chia xa. Tôi muốn nói với bố mẹ hãy giải thoát cho nhau đừng vì tôi mà gượng ép tình cảm của mình. Nhưng lại không muốn chia ly ở thời điểm này. Nhưng cứ im lặng thì bố mẹ tôi vẫn phải diễn tiếp màn kịch vì muốn tôi vui lòng. Tôi biết phải làm gì khi hai dòng suy nghĩ đang giằng xé nhau?

Lam Anh 

Xem thêm:

 

 

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.