Tôi với Huyền là bạn chơi với nhau rất thân, tôi thì độc thân còn Huyền thì đã lập gia đình cách đây hơn một năm. Vì gia đình chồng chỉ có một người con trai là chồng của Huyền nên khi cưới về hai vợ chồng Huyền ở chung với bố mẹ. Họ yêu nhau được hơn 2 năm thì tổ chức đám cưới, vì đã cùng nhau trải qua nhiều chuyện và nhiều sóng gió nên họ đã quá hiểu nhau nên Huyền cũng hòa nhập với gia đình khá nhanh. Đám cưới xong thì Huyền cũng mang bầu và vì mới chuyển công tác nên Huyền cũng tạm thời nghỉ ở nhà để dưỡng thai và làm việc nhà. Những tưởng cuộc sống hạnh phúc và êm đẹp sẽ tiếp diễn với cô bạn. Nhưng, những bất đồng quan điểm, những cuộc sóng ngầm giữa hai vợ chồng bắt đầu từ những ngày Huyền chính thức ở nhà đảm nhận vị trí nội trợ trong gia đình.
Vốn tính tự lập, ưa hoạt động và sống hướng ngoại nên đối với Huyền việc ở nhà suốt 24/24h quá một tuần là điều không thể tưởng tượng nổi. Cô ấy quen với môi trường sôi nổi ở bên ngoài, dù việc nhà Huyền không phải là người lười nhác bao giờ. Từ việc thay đổi một chút tính nết, nóng tính hơn một chút do sự thay đổi trong cơ thể khi mang bầu, đến những việc làm không tên trong gia đình đã khiến cho Huyền bắt đầu có dấu hiệu rơi vào trạng thái stress. Chúng tôi không có nhiều thời gian để gặp nhau nhưng nhờ trang mạng xã hội facebook, zalo mà chúng tôi vẫn giữ liên lạc. Và tôi được nghe kể tất cả những câu chuyện, những tâm sự từ Huyền. Khi thì cô ấy chủ động gọi, nhắn tin cho tôi để tâm sự, khi thì trên thông báo facebook của tôi hiện lên một dòng status của cô ấy đầy ấm ức.
Thi thoảng tôi chủ động nhắn tin rủ Huyền đi uống nước để gặp nhau nói chuyện được nhiều hơn. Nhưng đa phần tôi lại đều phải thấy cô bạn giọng thở dài chán nản và trả lời từ chối. Khi thì chưa xong việc nhà nên không đi đâu được, khi thì chồng không đi nên không được đi, khi thì bố, mẹ chồng không cho đi vì đang bầu bí. Đôi khi thấy cô bạn thân thở dài tiếc nuối vậy tôi cũng nghĩ xót xa cho phận làm dâu. Nhưng dù sao thì cuộc sống vẫn luôn tươi đẹp mà!
Rồi cứ vài lần như vậy, sau này tôi cũng ít khi dám mở lời ra rủ Huyền đi uống nước nữa. Nhưng càng ngày tôi lại càng đọc được những dòng status buồn trên facebook cá nhân của cô ấy. Có đôi khi chỉ là những dòng than thở vu vơ, nhưng có những lần là những câu trách cứ bóng gió tới chồng cô ấy.
Ngày chưa cưới, họ yêu nhau đơn sơ không lãng mạn và tình cảm nhiều nhưng đầy tình nghĩa với nhau. Tôi cũng phải thừa nhận chồng cô ấy không phải là người khéo léo thể hiện tình cảm nhưng tôi tin vào Huyền, tin vào sự lựa chọn của cô ấy. Chỉ có 2 người họ mới hiểu được tình cảm họ dành cho nhau là như thế nào.
Nhưng bây giờ khi cưới rồi tôi mới lại thấy cô bạn của mình buồn nhiều đến vậy. Có lần tôi nhận được cú điện thoại mà mới mở máy lên đã nghe được giọng sụt sịt từ cô bạn thân rồi. Thì ra, áp lực về thời gian, công việc nhà và việc chồng vô tâm không biết chia sẻ cùng vợ là nguyên nhân khiến Huyền rơi vào trạng thái stress gần như rất nặng. Công việc nội trợ đã chiếm gần như trọn thời gian của Huyền, khiến cô cảm thấy nó nặng nề hơn bao giờ hết. Cô ấy luôn cố gắng làm tất cả những gì có thể để bố mẹ, gia đình nhà chồng không chê trách. Nhưng ngược lại, chồng thì thương vợ nhưng lại vô tâm và cho rằng vợ quan trọng hóa vấn đề.
Rồi công việc ở công ty chồng vào đúng đợt nhiều nên chồng cô cứ đi cả ngày từ sáng tới tối mới về. Tối về thì lại mệt và chỉ ăn uống xong là lên giường ngủ, hai vợ chồng không có thời gian dành cho nhau để tâm sự, chia sẻ. Một vài hôm, rồi một vài tuần cứ như vậy…
Huyền dần trở nên lặng lẽ hơn. Cô chưa từng và luôn cố gắng để gia đình nhà chồng không phải phàn nàn bất kỳ một điều gì về cô. Nhưng dĩ nhiên khi ôm đồm một lúc quá nhiều việc trong một thời gian dài thì ít ai có thể chịu đựng được mãi một mình. Ít nhất bên cạnh cô cũng là một người chồng và cô cần được chồng mình động viên, chia sẻ. Nhưng chồng Huyền dường như quá mải lo công việc ở công ty nên đã trở nên vô tâm với vợ mình.
Thay vì nói chuyện, than phiền với chồng để rồi nhận lại được những câu nói buồn thì Huyền bắt đầu online facebook nhiều hơn, cô hay update những status tâm trạng nhiều hơn. Lúc đầu tôi đọc thấy và cũng chia sẻ cho cô bạn đỡ buồn hơn. Nhưng cũng dần dà, những câu nói của Huyền trở nên nặng nề hơn. Lúc thì là bóng gió nói, trách móc, than thở về chồng, lúc thì bóng gió những mong muốn của cô là có được một ngày gọi là chủ nhật để được ra ngoài với bạn bè cho thư giãn đầu óc. Nhưng đáp trả lại cô là những sự im lặng đến nặng nề của anh chồng. Huyền biết anh vẫn thường xuyên online facebook và thường xuyên đọc những dòng tâm sự đó của vợ. Nhưng anh vẫn tỏ ra thờ ơ như chưa từng biết đến.
Từ đó, dù cuộc sống gia đình ở nhà chồng lúc nào cũng vẫn rất ổn. Trong mắt tất cả mọi người Huyền vẫn là cô con dâu đảm đang, tháo vát và cư xử đúng mực. Nhưng những cơn sóng ngầm, những trận cãi vã đứt quãng giữa hai vợ chồng dần dần xuất hiện.
Thế rồi, một giọt nước làm tràn ly. Khi cảm giác khó có thể chịu đựng tiếp những cảm giác như cuộc sống hiện tại, Huyền bắt đầu sống thu mình hơn, thường xuyên làm bạn với các trang mạng xã hội. Và… cuộc sống vợ chồng cô ấy bắt đầu trở nên “ngột ngạt”, những cáu gắt tăng dần, những bất đồng quan điểm nhiều dần lên và khoảng cách cũng gần như xa hơn dù hai người ngủ cùng giường, ăn cùng mâm.
Nếu lúc trước là những lời bóng gió, giận hờn, trách móc chồng thì giờ đây Huyền đưa hết lên trang facebook cá nhân của mình tất cả những chuyện bất bình giữa hai vợ chồng, mọi chuyện ấm ức mà cô phải chịu trong gia đình. Bạn bè của cô ai cũng đều đọc được những dòng tâm sự đó và đều để lại những comment quan tâm, chia sẻ và động viên Huyền cố gắng lên. Có người thẳng tính thì họ vào bình luận, quở trách người chồng sao vô tâm để vợ luôn phải buồn như vậy. Nhưng cũng không có ít người cũng góp ý thẳng thắn với Huyền – “Chuyện gia đình riêng thì nên đóng cửa bảo nhau”. Những khi đó Huyền lại càng buồn thêm và lại rơi vào trạng thái dường như chỉ cần có người để trút bầu tâm sự.
Dường như Huyền đang cố gắng làm tất cả những điều đó chỉ để hy vọng chồng mình đọc được, hiểu và sẽ chia sẻ cùng cô. Thế nhưng, tất cả những gì cô nhận được từ chồng lại là sự im lặng đến đáng sợ. Chồng cô lầm lỳ hơn và lại đi làm sớm, về tối hơn mọi khi.
Bế tắc trong từng suy nghĩ đến hành động khiến Huyền lại càng thêm u uất và cô lại tiếp tục mắc sai lầm khi lại vẫn đưa tất cả những ấm ức của mình lên facebook để giãi bày.
Bất ngờ một hôm, khi chồng vừa rời khỏi nhà được 30 phút cô đã thấy một thông báo mới với một dòng status ngắn gọn nhưng đầy ẩn ý trên facebook cá nhân của chồng mình – “Lưng của tôi đây này, có gì muốn phơi thì phơi hết ra đi”.
Tôi là bạn bè của cả hai người nên khi đọc được những dòng này do chồng Huyền viết thì tôi đã lờ mờ hiểu chuyện gì đang xảy ra với cô bạn của mình. Tôi phi thẳng xe đến tận nhà và xin phép đưa Huyền đi ra ngoài. Ở quán café, Huyền đã khóc hết nước mắt, kể cho tôi tất cả những gì trong lòng cô ấy đang nghĩ, đang phải đối diện.Tôi vừa cảm thấy giận nhưng rất thương Huyền, bởi vì chịu quá nhiều ấm ức mà cô ấy đã mắc phải sai lầm cơ bản của một người vợ.
Tôi đã an ủi và giải thích để Huyền hiểu hơn, dù tôi là người chưa có gia đình. Nhưng ít ra tôi cũng đã từng trải qua những cuộc tình sâu đậm, đã từng có những kinh nghiệm đáng để đời. Và hơn hết là tôi được học từ mẹ tôi tính “nhẫn nhịn” trong cuộc sống gia đình.
Ở địa vị Huyền, nếu là ngày xưa nông nổi thì tôi tin cá nhân tôi hoặc nhiều bạn cũng sẽ có hành vi như cô ấy. Bởi khi con người ta bị rơi vào trạng thái cô lập về cuộc sống, cảm xúc bị lấn át thì dĩ nhiên người ta sẽ cố gắng làm tất cả để có thể tìm cho mình một chỗ níu. Và Huyền đã nghĩ rằng facebook là nơi cô có thể bám, níu duy nhất, vì ở đó bạn bè mọi nơi của cô đều có thể cho cô những lời động viên, an ủi khiến cô nhẹ lòng hơn.
Nhưng Huyền đã quên đi mất rằng, chồng mình là một người đàn ông. Anh ấy cũng như hầu hết những người đàn ông trên thế giới này đều có tính sỹ diện rất cao. Là đàn ông, họ không được ông trời phú cho bản tính cam chịu được lớn như đàn bà. Họ có thể trầm lắng, họ có thể khô khan, họ có thể vô tâm… Nhưng là phụ nữ, chúng ta phải mềm dẻo, phải khéo để biến những nhược điểm đó của họ trở nên đẹp hơn. Hạnh phúc gia đình chính là sự bù đắp cho nhau giữa hai vợ chồng và việc lý tưởng hóa tình yêu khi đã trở thành vợ chồng sẽ khiến cho sợi dây buộc chặt gia đình bị nới lỏng dần ra.
Việc Huyền kể lể mọi thứ về người chồng của mình lên facebook sẽ khiến anh ấy bị tổn thương. Đàn ông họ thường tỏ ra cứng rắn nhưng không phải là lòng tự trọng của họ cũng bị đóng băng, chỉ có điều họ không hay thể hiện ra ngoài như phụ nữ chúng ta thôi. Anh ấy sẽ cảm thấy bị xúc phạm với những lời chỉ trích của chính những người bạn của vợ mình. Từ đó mà khoảng cách giữa hai vợ chồng dần dần xa hơn, những lần tâm sự sẽ khó mở lời hơn rất nhiều.
Đáng lẽ Huyền nên cam chịu hơn một chút nữa, hãy thủ thỉ tâm sự với chồng của mình để anh ấy cảm thấy mình được tôn trọng. Dù có thể anh ấy sẽ không hiểu hết nhưng anh ấy sẽ thấy dần những gì vợ mình đang phải chịu đựng. Và từ đó chính anh ấy sẽ thể hiện bằng hành động của mình.
Từ sau lần ấy, Huyền ít viết lên facebook hơn. Cô sử dụng facebook của mình để bán hàng online. Công việc bán hàng của cô dần trở nên thuận lợi hơn, những đơn hàng về liên tục khiến cô cảm thấy phấn chấn hơn và không còn thời gian để nghĩ ngợi về những nỗi buồn nữa. Cũng kể từ đó, hai vợ chồng vui vẻ với nhau hơn rất nhiều. Và họ lại trở về như những ngày vẫn còn yêu nhau, những buổi tối hai vợ chồng đi ra ngoài thường xuyên hơn.
Tôi tin, tất cả những người phụ nữ đều đáng được hưởng hạnh phúc mà họ mong đợi!
Nấm Hương
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.