Các nhà khoa học Mỹ cho biết robot mới “vua tốc độ trên cạn” có khả năng hoạt động hỗ trợ các binh lính hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu hiệu quả hơn.
Theo cơ quan nghiên cứu công nghệ cao (DARPA) của Bộ quốc phòng Mỹ, robot không đầu được gọi là Cheetah. Nó có thể “phi nước đại” với vận tốc 29km/h trên máy chạy bộ trong phòng thí nghiệm – vượt kỷ lục về tốc độ của một robot có bốn chân lập trước đó là 21km/h.
DARPA đã tài trợ cho công ty Boston Dynamics, Massachusetts trong việc chế tạo Cheetah. Đây là dự án nằm trong nỗ lực phát triển các loại robot quân sự.
Robot Cheetah có thể phi nước đại với vận tốc 29km/h
“Chúng tôi có kế hoạch chuyển robot mới từ phòng thí nghiệm sang chiến trường sớm nhất có thể. Chúng tôi thực sự muốn biết yếu tố nào có thể giúp robot di chuyển nhanh”, Alfred Rizzi, một chuyên gia trong lĩnh vực robot cho biết.
Chuyển động của Cheetah được mô phỏng theo động vật hoang dã – những loài chạy nhanh. Nó được thiết kế linh hoạt, có thể uốn cong hay duỗi thẳng các chi nhằm tăng chiều dài sải chân và nâng cao tốc độ di chuyển.
Phiên bản hiện tại đang hoạt động phụ thuộc vào máy bơm thủy lực và hệ thống ống bên ngoài. Tuy nhiên các nhà nghiên cứu cho biết họ sẽ thiết kế mẫu robot chạy tự động mà không cần bất kì thiết bị hỗ trợ nào vào cuối năm nay.
Dự án kéo dài bốn năm kể từ tháng 02/2011 nhằm chế tạo robot mới, có thể chạy zíc zắc để truy đuổi, lẩn trốn hay dừng đột ngột.
Công ty Boston đã xây dựng robot theo những mô hình khác nhau dựa trên các động vật, bao gồm BigDog – loại robot được sử dụng tại những địa hình đồi núi hiểm trở, được thiết kế có khả năng tái chế năng lượng từ các bước chạy. Và nó sử dụng móng vuốt nhỏ của sáu chân để leo lên tường, cây, hàng rào và dùng cái đuôi để giữ thăng bằng giống như con thằn lằn.
Noel Sharkey, giáo sư tại đại học Sheffield cho biết: “Thành tựu mới là một bước đột phá trong lĩnh vực robot. Nghiên cứu đã tạo ra kẻ hủy diệt với tốc độ nhanh hơn con người. Cheetah có thể nhanh chóng vượt qua chiến trường để săn lùng và tiêu diệt kẻ thù”.
Hiện nay, điều khiến các chuyên gia lo ngại nhất là phiên bản này không có hệ thống trí tuệ nhân tạo để phân biệt giữa dân thường và quân địch. Do đó, robot mới có thể gặp rắc rối với luật chiến tranh nếu nó hoạt động.
Theo Trần Mạnh Hồng (BBC)