Mỹ dùng nội tiết tố tình dục bẫy cá hút máu

Loài cá xâm thực ký sinh với hình dáng đáng sợ gây hại cho động vật bản địa đến mức các nhà chức trách Mỹ phải phát triển một phương pháp mới để hạn chế số lượng sinh sản của chúng.

Loại hormone “sex” mang tên 3kPZS do cá mút đá đực tiết ra để ghép đôi đóng vai trò như một loại nước hoa thu hút con cái vào khu vực làm tổ. Tuy nhiên, Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) sẽ sử dụng hormone này như một chất dẫn dụ để thu hút cá mút đá cái đến khu vực đánh bắt và thu hoạch chúng trước mùa sinh sản.

Cá mút đá là loài xâm thực gây hại nghiêm trọng ở Mỹ. (Ảnh: Wikipedia).

Theo Tech Times, các nhà khoa học nghiên cứu cách sử dụng tín hiệu hóa học (pheromone) để điều khiển hành vi của cá mút đá từ thập niên 1990. Pheromone 3kPZS đã được thử nghiệm ở khu vực đánh bắt và EPA đã cho phép sử dụng loại hormone này trong chương trình kiểm soát cá mút đá.

Theo tiến sĩ Weiming Li ở Đại học Michigan, Mỹ, thử nghiệm thực địa nhằm kiểm tra hiệu quả của 3kPZS cho thấy hiệu quả đánh bắt tăng tới 53%. Những chiếc bẫy dùng 3kPZS giúp bắt lượng cá mút đá nhiều gấp đôi so với bẫy thông thường.

Cá mút đá có hình dáng giống loài rắn, sinh sống từ cách đây 200 triệu năm, trước cả loài khủng long. Chúng có những chiếc răng sắc như dao cạo xếp thành vòng tròn thay vì mọc thành hàm. Nhờ cấu tạo miệng, cá mút đá có thể bám vào các loài cá khác và hút máu cũng như dịch cơ thể của chúng, khiến con mồi suy yếu hoặc tử vong.

Dù có nguồn gốc từ Đại Tây Dương, cá mút đá có thể sống ở những vùng nước ngọt và di cư đến vùng hồ Lớn nằm ở biên giới giữa Mỹ và Canada qua các con kênh sử dụng cho vận tải đường thủy. Vào cuối những năm 1940, cá mút đá xâm lấn tàn sát cá hồi, cá thịt trắng và các loài cá thương phẩm khác trong hồ Michigan. Cuộc chiến tiêu diệt cá mút đá tiêu tốn của Mỹ hơn 400 triệu USD trong suốt 5 thập kỷ qua.

 

Theo VnExpress