Các quan chức Mỹ đã vẽ ra một kế hoạch khẩn cấp để ngăn chặn nguy cơ tận thế do các tiểu hành tinh gây ra.
Hôm 5/1, Nhà Trắng công bố bản báo cáo dài 25 trang tên gọi “Chiến lược ngăn chặn đối tượng gần trái đất (NNEOPS)” nhằm sẵn sàng đối phó với mối đe dọa từ các “tiểu hành tinh sát thủ”nếu chúng có khả năng va chạm với trái đất.
Báo cáo được viết bởi Nhóm công tác liên ngành (IWG) về Phát hiện và Giảm nhẹ tác động của các vật thể gần trái đất (DAMIEN). Mục đích của báo cáo là để cải thiện khả năng chuẩn bị trong việc giải quyết mối đe dọa từ các đối tượng gần trái đất (NEO). Muốn làm được điều này, IWG cho rằng cần tăng cường hợp tác giữa các quốc gia, đồng thời bổ khuyết những khả năng còn thiếu hụt.
Báo cáo vạch ra 7 mục tiêu chiến lược, bao gồm: cải thiện việc phát hiện và mô tả đặc điểm của NEO; cải thiện mô hình và dự báo về diễn biến của NEO; phát triển các phương pháp đánh chệch hướng NEO; phát triển tình huống khẩn cấp nếu xảy ra va chạm; phản ứng với va chạm và biện pháp phục hồi; tận dụng và hỗ trợ hợp tác quốc tế nếu xảy ra va chạm; cuối cùng là phối hợp thông tin liên lạc giữa các cơ quan chính phủ Mỹ và thiết lập một loạt các thủ tục nếu phát hiện một vụ va chạm NEO tiềm tàng.
Các quan chức Mỹ đã vẽ ra một kế hoạch khẩn cấp để ngăn chặn nguy cơ tận thế do các tiểu hành tinh gây ra. (Ảnh: FLICKR).
Một số biện pháp cụ thể bao gồm: Phóng tên lửa đánh chặn các tiểu hành tinh; phát triển các giải pháp cao năng lượng để “đuổi” thiên thạch quá lớn ra xa trái đất; sơ tán quy mô lớn…
Trước đó, hồi tháng 12/2016, nhà khoa học cấp cao của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) Joseph Nuth, cảnh báo nếu con người phát hiện ra một NEO có kích thước lớn đang trên lộ trình đâm vào trái đất, sẽ không có đủ thời gian để chế tạo một thiết bị làm chệch hướng NEO này.
Tháng 8/2015, NASA công bố một báo cáo nói rằng tất cả các tiểu hành tinh nguy hiểm tiềm năng mà con người từng biết chỉ có cơ hội ảnh hưởng trái đất chưa đến 0,01% trong vòng 100 năm tới.
Tuy nhiên, khả năng một “tiểu hành tinh sát thủ” bất ngờ xuất hiện hoàn toàn có thể xảy ra. Một khi rơi xuống biển, tiểu hành tinh có thể gây sóng thần và động đất cực mạnh quét sạch các khu vực ven biển.
Tổ chức phi lợi nhuận săn tìm NEO, B612 Foundation, cho biết NASA vẫn chưa xác định được khoảng 1 triệu tiểu hành tinh đủ khả năng xóa sổ một thành phố hoặc có thể khiến nền kinh tế thế giới sụp đổ. Ngay cả các tiểu hành tinh khá nhỏ, chẳng hạn như thiên thạch Chelyabinsk vỡ tung trên bầu trời nước Nga năm 2013, cũng có thể gây ra những thiệt hại nghiêm trọng.
Nếu một tiểu hành tinh lớn hơn, ví dụ thiên thạch Chicxulub va vào trái đất cách đây 66 triệu năm, nó hoàn toàn có thể tiêu diệt hầu hết sự sống trên bề mặt hành tinh xanh.
Theo NLĐ