Những viên đạn chết chóc kia còn có thể gây hại tới sức khỏe của Trái Đất nữa.
Nước Mỹ đang đứng trước vấn nạn về súng đạn, có thể coi là một loại khủng hoảng thừa theo cách nào đó: họ phải làm gì để xử lý vấn đề ô nhiễm gây ra từ vô vàn những vỏ đạn sau mỗi buổi tập luyện bắn đạn trên thao trường đây?
Trên chiến trường, những người lính sử dụng những loại đạn có sức công phá, sức sát thương lớn nhưng khi những người lính tập luyện, họ lại sử dụng loại đạn được thiết kế riêng cho thao trường. Những vỏ đạn này, theo như Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, thì chúng “hoặc là bị bỏ lại trên mặt đất của thao trường, hoặc là bị chôn sâu xuống vài mét đất”.
Những vật liệu làm nên những viên đạn kia dần dần sẽ bị phân hủy nhưng mọi chuyện không dừng lại ở đó, chúng làm ô nhiễm môi trường đất trong quá trình phân hủy ấy. “Những thành phần hóa học đó cần vài trăm năm để có thể hoàn toàn phân rã”, Bộ Quốc phòng cho hay.
Những thành phần hóa học trong vỏ đạn cần vài trăm năm để có thể hoàn toàn phân rã.
Với việc xác định được vấn đề, họ cũng đề cập những phương thức khắc phục vấn nạn ô nhiễm đó. Bộ Quốc phòng đã đưa ra đề nghị rằng những loại đạn bắn tập nên được sản xuất bằng những vật liệu dễ phân hủy và thậm chí, hãy đưa thêm cả hạt giống cây trồng vào thành phần làm đạn để khi vỏ đạn rơi xuống đất, cây có thể có cơ hội phát triển.
Theo như tính toán, hạt cây sẽ không bắt đầu phát triển cho tới khi chúng nằm trong lòng đất được vài tháng. Hơn nữa, động vật cũng có thể ăn những thực vật này mà không bị tổn hại tới sức khỏe.
Ý tưởng này nghe hoàn toàn hợp lý và khả thi, thậm chí Bộ Quốc phòng đã đưa ra những lời kêu gọi đầu tư để biến ý tưởng này thành thực tại. Dù vậy, vẫn có những trở ngại về mặt kỹ thuật và sinh học trước vấn đề này.
Hồi năm 2013, nhà phát minh cũng là một người nghệ sĩ, ông Per Cromwell phát triển ra một vỏ đạn súng shotgun chứa mầm cây hoa mẫu đơn, cây hoa thanh cúc – mong muốn của ông khi thiết kế ra vỏ đạn này là “mang sự sống đến với thế giới này”, chứ không phải phục vụ mục đích giết chóc của một viên đạn.
Vấn đề duy nhất trong thiết kế của người nghệ sĩ mộng mơ này là ông không thể tìm ra một hỗn hợp thuốc súng và hạt mầm phù hợp, hạt cây luôn bị cháy hết khi thuốc súng bị đốt.
Bộ Quốc phòng Mỹ còn có mong muốn phát triển một loại vật liệu tổng hợp trộn lẫn cả hạt cây.
Chưa hết, yêu cầu của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ còn lớn hơn những viên đạn trên thao trường nhiều. Họ còn có mong muốn phát triển một loại vật liệu tổng hợp trộn lẫn cả hạt cây, một thứ vật liệu mà họ có thể thương mại hóa nó được.
Một thứ vật liệu trong mơ như vậy có thể được sử dụng trong rất nhiều lĩnh vực khác. Trong xây dựng, vật liệu từ một căn nhà bị dỡ bỏ có thể được biến thành một khu vườn đầy cây và hoa xung quanh căn nhà mới sẽ được mọc lên. Những vỏ chai, vỏ cốc sau mỗi festival âm nhạc có thể được thu gom và biến một khu đất trống đâu đó thành một khóm rừng nhỏ tuyệt đẹp.
Tiềm năng dọn dẹp của một thứ vật liệu như vậy là vô hạn – nhưng đó vẫn chỉ là viễn cảnh của “một khi ta có trong tay thứ vật liệu ấy”.