Mỹ nghiên cứu chế tạo chiến binh robot

Quân đội Mỹ sẽ thiết kế những robot chiến đấu có khả năng hoạt động độc lập, được lập trình để ngăn chặn những hành động vi phạm tội ác chiến tranh của binh sĩ là con người ngoài chiến trường.

Người máy T-800 trong loạt phim Terminator của Mỹ. Ảnh: Telegraph.

Từ nay tới năm 2010 Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ đầu tư 4 tỷ USD vào chương trình nghiên cứu “những hệ thống tự động”, mật danh của robot quân sự. Mục tiêu của họ là tạo ra những binh sĩ máy không biết sợ hãi song cũng chẳng thích giết chóc người vô tội. Mỹ đã thuê nhiều chuyên gia về robot người Anh để tư vấn cách chế tạo những người máy không có khả năng vi phạm Công ước Geneva về chiến tranh.

Các quan chức cao cấp trong Lầu Năm Góc quan tâm tới những nghiên cứu về tình trạng khủng hoảng tâm lý ở các binh lính từng phục vụ tại Iraq. Những nghiên cứu này cho thấy một tỷ lệ lớn quân nhân tham gia chiến đấu tại đây ủng hộ biện pháp tra tấn và hành hạ các tay súng đối phương.

Ronald Arkin, một chuyên gia máy tính tại Đại học Kỹ thuật Georgia đang phát triển một phần mềm cho quân đội Mỹ, cho rằng việc sử dụng chiến binh máy sẽ giảm được tình trạng vi phạm Công ước Geneva. “Robot không lo nghĩ về mạng sống và cũng chẳng bị tình cảm chi phối trong việc ra quyết định. Chiến binh máy cũng không bị kích động hay giận dữ trước những sự kiện bi thương trên chiến trường”, Ronald nói.

Trong khi đó các máy bay không người lái đã được sử dụng tại Iraq và Afghanistan để thực hiện các cuộc ném bom vào những phần tử chống đối chính phủ. Các phương tiện cơ giới tự động cũng được sử dụng để vô hiệu hóa bom mìn và nhiều loại thiết bị nổ khác.

Tháng trước quân đội Mỹ công bố loại robot có thể bắn ra nhiều thứ, từ những túi đậu, bột hạt tiêu cho tới lựu đạn. Nó được trang bị một khẩu súng máy 7,62 mm. Nhưng thế hệ robot này vẫn cần được điều khiển từ xa bởi con người. Các nhà nghiên cứu muốn chế tạo những chiến binh máy có khả năng tự xác định mục tiêu, vũ khí và biết phân biệt các loại binh chủng của đối phương (xe tăng, con người, máy bay) với những mục tiêu “mềm” như xe cứu thương và dân thường.

Phần mềm cài trong bộ vi xử lý sẽ ngăn cản chúng thực hiện các hành động bị cấm trong Công ước Geneva về chiến tranh. Quân đội Mỹ muốn chế tạo những chiến binh máy tự động hoàn toàn vì những robot mà họ đang có vẫn cần được điều khiển bởi con người. Chính vì thế mà chi phí để sản xuất và vận hành chúng khá cao. Một máy bay không người lái Predator cần tới 6 người điều khiển và những người này cũng cần được đào tạo bài bản.

Một số chuyên gia lo ngại rằng robot chiến đấu có thể bắn giết bừa bãi nếu con người mắc sai sót trong quá trình chế tạo. Noel Sharkey, một chuyên gia máy tính của Đại học Sheffield (Anh), là một trong những người phản đối mạnh mẽ kế hoạch của quân đội Mỹ.

“Tham vọng của họ khiến tôi cảm thấy ớn lạnh ở xương sống. Tôi đã nghiên cứu trí tuệ nhân tạo nhiều thập kỷ, song vẫn cảm thấy ghê sợ trước ý tưởng tạo ra một thế hệ robot có khả năng quyết định việc giết hay tha đối với con người”.

 

Theo VnExpress (Telegraph)