Hầu như mọi bộ vi xử lý hiện nay đều hoạt động trên mô hình điện toán Von Neumann: Chúng được thiết kế để truy cập lượng dữ liệu liên tục lớn nhất, đồng thời làm đầy các caches nhanh nhất có thể. Tuy nhiên, đây không phải là cách nhanh nhất để hoàn thành mọi nhiệm vụ và quân đội Mỹ muốn phát triển một loại chip hoàn toàn khác.
Theo Engadget, DARPA (Cơ quan nghiên cứu dự án Quốc phòng Cấp cao của Mỹ: Defence Advanced Research Projects Agency) đã chi 80 triệu USD để tài trợ cho dự án phát triển bộ xử lý phân tích đồ thị đầu tiên trên thế giới. HIVE (Hierarchical Identify Verify Exploit – tạm gọi là hệ thống khai thác xác định nhận dạng phân cấp). Hệ thống này sẽ hoạt động trên cơ sở truy cập ngẫu nhiên các điểm dữ liệu 8 byte từ bộ nhớ tổng quát của hệ thống, sau đó phân tích từng điểm dữ liệu một cách độc lập.
Con chip này có thể giúp cho quân đội Mỹ phát hiện các vấn đề trước khi nó trở nên nghiêm trọng.
Đây được cho là cách tiếp cận nhanh hơn để xử lý dữ liệu lớn. Hệ thống này còn có thể mở rộng, vì vậy bạn có thể sử dụng kết hợp nhiều con chip HIVE để hoàn thành mục tiêu của mình.
DARPA không đơn độc trong dự án nghiên cứu này: Intel, Qualcomm và Northrop Grumman cũng tham gia cùng với các nhà nghiên cứu tại Georgia Tech và Pacific Northwest National Laboratory.
Sẽ mất một khoảng thời gian khá lâu nữa trước khi một con chip HIVE được đưa vào sử dụng trong thực tế. DARPA và các đối tác về cơ bản đang phát triển một thế hệ chip có cấu trúc, phương thức hoạt động hoàn toàn khác với các sản phẩm trước đây. Nếu con chip này hoạt động đúng như dự định, nó có thể giúp cho quân đội Mỹ phát hiện các vấn đề trước khi nó trở nên nghiêm trọng. Ví dụ, quân đội có thể bắt được những tín hiệu đầu tiên của một cuộc tấn công trên không gian mạng, trong khi các chuyên gia kiểm soát dịch bệnh phát hiện kịp thời một ổ dịch sắp xảy ra.
Theo vnreview