Một phi thuyền của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) sẽ được phóng vào không gian ngày 5/3 tới, mang theo chiếc camera siêu lớn nhằm tìm kiếm các hành tinh có khả năng nuôi dưỡng sự sống trong dải ngân hà.
Tàu vũ trụ Kepler mang theo camera lớn nhất từng được đưa ra ngoài trái đất. Ảnh: Reuters. |
Theo kế hoạch, sứ mệnh của tàu vũ trụ Kepler là tìm kiếm những ngôi sao giống mặt trời và các ngôi sao có kích thước hay cấu tạo giống địa cầu. Nó sẽ được phóng đi bằng tên lửa Delta II tại căn cứ không quân Cape Canaveral, bang Florida.
Trong nhiều năm qua giới khoa học muốn tìm hiểu xem liệu sự sống có tồn tại ở đâu đó trong vũ trụ hay trái đất là hành tinh duy nhất có sự sống. “Kepler sẽ mở rộng sự hiểu biết của chúng ta về dải ngân hà. Những phát hiện của nó có thể giúp con người thay đổi các quan niệm cơ bản về chính chúng ta”, Jon Morse, giám đốc bộ phận vật lý thiên văn của NASA, phát biểu.
Kể từ năm 1995, giới thiên văn phát hiện khoảng 300 hành tinh ngoài hệ mặt trời đang xoay quanh ngôi sao riêng, nhưng phần lớn trong số đó là các hành tinh lớn được hình thành từ bụi khí nên khó có khả năng nuôi dưỡng sự sống. Sứ mệnh của Kepler là tìm kiếm các hành tinh đá xoay quanh một ngôi sao. Khoảng cách giữa chúng không quá gần (vì mọi thứ trên hành tinh sẽ bị thiêu đốt bởi nhiệt từ ngôi sao) song cũng không được quá xa (vì khi đó băng sẽ bao phủ bề mặt hành tinh khiến sự sống không thể phát triển).
“Chúng tôi muốn tìm những hành tinh không quá nóng và không quá lạnh vì sự sống chỉ xuất hiện trên những hành tinh có nhiệt độ vừa phải, nơi mà nước chiếm phần lớn diện tích bề mặt”, William Borucki, một chuyên gia của NASA, cho biết. Ông ước tính phi thuyền Kepler có thể phát hiện khoảng 50 hành tinh như vậy.
“Nếu Kepler tìm thấy chừng ấy hành tinh thì chúng ta có thể khẳng định sự sống tồn tại phổ biến trong ngân hà. Trong trường hợp nó phát hiện vài hành tinh có nhiệt độ vừa phải thì chúng ta có thể kết luận rằng những hành tinh có khả năng nuôi dưỡng sự sống như trái đất rất hiếm”, ông nhật xét.
Nhà thiên văn học Debra Fischer của Đại học San Francisco (Mỹ), người từng săn tìm hành tinh giống trái đất trong nhiều năm, phát biểu: “Những hành tinh có các điều kiện thuận lợi cho sự sống có thể chứa nước, nhưng chúng không có các mảng kiến tạo địa chất để đất có thể ngoi lên trên mặt nước. Các đại dương của chúng cũng có thể chứa nhiều sinh vật sống như đại dương của trái đất, nhưng các sinh vật ấy chưa đủ trình độ để liên lạc với chúng ta”.
Trong một số hệ sao, các hành tinh di chuyển phía trước các ngôi sao nếu chúng ta nhìn từ địa cầu. Kính viễn vọng trên tàu Kepler, với chiếc camera lớn nhất từng được đưa lên không gian, có khả năng phát hiện ánh sáng mờ nhạt của các ngôi sao xa xôi và những hành tinh lướt qua trước mặt chúng.
Theo VnExpress (Reuters)