Nhà máy điện khai thác năng lượng sóng biển đầu tiên sắp được đưa vào vận hành tại Mỹ, mở ra triển vọng cung cấp năng lượng sạch cho 50% dân số Mỹ sinh sống tại các đô thị ven biển.
Biến sóng biển thành điện với hiệu suất 99%
Biến đại dương thành nhà máy điện
Mỹ phát triển công nghệ khai thác năng lượng sóng biển
Được lắp đặt ngoài khơi bờ biển Hawaii, tại khu thử nghiệm năng lượng sóng, Vịnh Kaneohe, thiết bị nặng 40 tấn này là máy phát điện nhờ sóng biển đầu tiên. Theo Cục năng lượng Quốc gia Mỹ (DoE), sắp tới sẽ có hàng loạt máy phát như vậy được lắp đặt, cung cấp năng lượng sạch cho các thành phố ven biển Mỹ. Khoảng 50% dân số Mỹ sinh sống dọc theo các đô thị có đường bờ biển dài 80 km đường, theo đánh giá của DoE, dự án có tiềm năng lớn.
Máy phát điện nhờ sóng biển thử nghiệm Azura. (Ảnh: DoE)
Thiết bị do công ty NWEI thiết kế, có tên Azura, được lắp đặt sâu dưới 300 m nước tháng trước và có công suất 20 kW. Theo NWEI, nếu lắp đặt dưới sâu hơn, tại các vùng có sóng lớn hơn, công suất có thể lên tới 1 MW, đủ để cung cấp cho hàng trăm hộ gia đình.
Azura được thiết kế để hấp thụ năng lượng chuyển động của sóng theo mọi hướng. Đây là chìa khóa quyết định thành công của dự án.
“Sóng có cả chuyển động ngang và chuyển động dọc lên xuống, hầu hết các thiết kế khác chỉ có thể hấp thụ năng lượng của một chiều chuyển động,” DoE cho biết. “Azura có thể khai thác năng lượng chuyển động theo 360 độ, cho công suất đầu ra cao hơn hẳn.”
Nhóm nghiên cứu dự định sẽ lắp đặt hệ thống quy mô công suất megawatt vào năm 2017, đồng thời tiếp tục thử nghiệm Azura với sự hỗ trợ của Hải quân Mỹ. Trong khi đó, một thiết bị tương tự cũng được lắp đặt ngoài khơi bờ biển Tây Australia và đi vào vận hành, hòa vào điện lưới địa phương từ tháng 2/2015.
Theo World Ocean Review, tổng năng lượng sóng biển toàn cầu vào khoảng 11.400 TWh mỗi năm, và có thể chuyển 1.700 TWh trong đó thành điện năng, đáp ứng khoảng 10% nhu cầu dùng điện của thế giới.