Bộ Ngoại giao Mỹ hôm qua tuyên bố Washington hoan nghênh việc hoãn xây đập Xayaburi của Lào trên sông Mekong, đồng thời hy vọng các nước Đông Nam Á sẽ hợp tác để đảm bảo rằng dự án xây đập không gây hại cho môi trường.
>> Các chuyên gia kêu gọi Lào từ bỏ đập thủy điện
Ngư dân Campuchia chuẩn bị thả một con cá tra dầu mà họ bắt được trên sông Mekong. Giới bảo tồn lo ngại dự án xây đập Xayaburi sẽ đe dọa sự sinh tồn của loài cá nước ngọt khổng lồ này. Ảnh: National Geographic.
“Chính phủ Mỹ hoan nghênh việc các nước ven sông Mekong nhìn nhận sự cần thiết của việc đánh giá toàn diện những tác động kinh tế, môi trường và xã hội của dự án đập thủy điện. Chúng tôi ủng hộ các quốc gia tiếp tục hợp tác với nhau để hiện thực hóa tầm nhìn về một lưu vực sông Mekong thịnh vượng về kinh tế, công bằng về xã và bền vững về môi trường”, AFP trích một đoạn trong tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ.
Thượng nghị sĩ Jim Webb, người đứng đầu tiểu ban Đông Á thuộc Ủy ban Đối ngoại thượng viện Mỹ, đang gây sức ép để chính phủ Mỹ có vai trò tích cực hơn nữa trong việc phản đối dự án xây dựng đập Xayaburi. Webb cho rằng dự án sẽ gây nên những “hậu quả tai hại” cho khu vực.
Vị trí các dự án đập thủy điện (điểm màu đỏ) trên dòng chính ở khu vực hạ Mekong. Đồ họa: Đào Trọng Tứ.
Tại cuộc họp hôm 19/4 của Uỷ hội sông Mekong (MRC), các nước nhất trí sẽ đưa vấn đề Xayaburi lên tham vấn ở cấp bộ trưởng vào tháng 11 tới. Việt Nam và Campuchia đều khẳng định rằng, cần có nghiên cứu về kỹ thuật, những tác động môi trường và sinh kế của người dân từ dự án đập Xayaburi một cách cụ thể hơn.
Xayaburi, nằm ở phía bắc Lào, là dự án đầu tiên trong tổng số 12 công trình dự kiến sẽ được xây dựng trên dòng chính của Mekong. Sông Mekong chảy từ Trung Quốc qua 4 quốc gia gồm Thái, Lào, Campuchia và Việt Nam.
Giới chuyên gia tính toán rằng sự hiện diện của đập Xayaburi sẽ khiến số lượng phù sa đồng bằng Sông Cửu Long giảm từ 26 triệu tấn/năm xuống còn khoảng 7 triệu tấn/năm. Ngoài ra nó còn làm giảm số lượng các loài cá, ảnh hưởng tiêu cực tới các loài thủy sản và sự đa dạng sinh học của sông Mekong cũng như khu vực xung quanh.
Theo Vnexpress