Mỹ và châu Âu tăng hợp tác nghiên cứu không gian

Mỹ và châu Âu tăng hợp tác nghiên cứu không gian

Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) và Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) ngày 16/1 thông báo sẽ cùng tiến hành nghiên cứu trong việc kết hợp tàu vũ trụ con thoi Orion của Mỹ với tàu vận tải tự hành (ATV) của ESA nhằm đưa các phi hành gia vượt ra ngoài quỹ đạo Trái Đất.

Theo thỏa thuận trên, tàu ATV sẽ được nối trực tiếp phía dưới tàu Orion nhằm tạo lực đẩy, đồng thời cung cấp năng lượng, kiểm soát luồng khí nóng, cũng như cung cấp nước và khí ôxy cho các phi hành gia.

Mỹ và châu Âu tăng hợp tác nghiên cứu không gian

NASA cho biết việc lắp ráp Orion có thể được tiến hành tại Mỹ, sau đó khâu hoàn thiện cuối cùng sẽ do cơ quan quốc tế trên hỗ trợ. Dự kiến tàu Orion sẽ được đặt tại cơ sở vũ trụ của ESA trước khi nó được phóng lên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS).

Phát biểu với báo giới, phó Giám đốc NASA phụ trách công tác tham dò ông William Gerstenmaier cho rằng sự “thai nghén” tàu Orion có thể xuất xứ tại Mỹ nhưng hình hài cuối cùng của nó được quyết định bởi nỗ lực quốc tế. Bên cạnh đó, ông cũng nhấn mạnh công tác tham dò vũ trụ cần được thực hiện trên cơ sở hợp tác quốc tế.

Tuy việc sử dụng môđun của ESA cũng khá tốn kém, nhưng ông Gerstenmaier tin tưởng rằng thỏa thuận này sẽ cho phép NASA tiến hành chặt chẽ mẫu tàu vũ trụ thử nghiệm mà không tốn thời gian thử nghiệm hệ thống mới tại trung tâm NASA.

Về phần mình, giám đốc ESA phụ trách chuyến bay vào không gian Thomas Reiter, cũng hoàn toàn ủng hộ thỏa thuận với NASA, đồng thời khẳng định đây là dấu hiệu tích cực thể hiện lòng tin của đối tác Mỹ vào khả năng cũng như kỹ thuật của ESA.

Kể từ năm 2008, môđun của ESA hay còn gọi là tàu ATV đã từng thực hiện các chuyến cung cấp hàng hóa và thiết bị nghiên cứu cho các nhà khoa học đang làm việc trên ISS . Dự kiến, đợt phóng tàu đầu tiên không người lái của Orion sẽ được thực hiện vào năm 2017, và lần phóng có người lái với sự kết hợp của tàu ATV sẽ được tiến hành vào năm 2021.

 

Theo Vietnam+