Các nhà khoa học hy vọng với việc thành lập khu bảo tồn lớn nhất thế giới này và nỗ lực bảo tồn tích cực, dân số loài hổ sẽ hồi phục.
Trải dài 17.477 km2, khu bảo tồn hổ mới được mở rộng này sẽ có diện tích xấp xỉ Cộng hòa Kuwait (Cô-oét) – một quốc gia ở Trung Đông (17.818 km2) và lớn hơn bang Connecticut, đông bắc Hoa Kỳ (14.371 km2).
Sau nhiều năm xảy ra tình trạng săn bắn bất hợp pháp và sự suy giảm con mồi nên số lượng hổ còn lại trong khu bảo tồn Hukaung chưa đầy 50 cá thể, tuy nhiên, các chuyên gia hy vọng với việc bảo tồn tích cực, “dân số” hổ có thể được hồi phục. Mặc dù hổ là “ngôi sao” của khu bảo tồn, đây còn là “ngôi nhà” của hơn 360 loài chim.
Bên cạnh những con hổ – động vật được liệt kê ở mức “nguy cấp” trong Sách đỏ của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), khu vực thung lũng Hukaung còn là nơi sinh sống của nhiều loài động vật bị đe dọa khác, trong số đó có báo hoa mai Đông Dương Panthera pardus delacouri (Sắp bị đe dọa – Near Threatened, NT), báo gấm hay báo mây Neofelis nebulosa (Sắp nguy cấp – Vulnerable, VU), gấu chó Malay Helarctos malayanus (VU), gấu đen Himalaya Ursus thibetanus (VU), nai Rusa unicolor (VU), bò tót Bos gaurus (VU), voi châu Á Elephas maximus (Nguy cấp – Endangered, EN) và loài niệc cổ hung Aceros nipalensis thuộc họ hồng hoàng (Cực kỳ nguy cấp – Critically Endangered, CR).
“Tôi đã mơ ước ngày khu bảo tồn hổ Hukaung được mở rộng như thế này trong nhiều năm qua”, nhà sinh vật học Alan Rabinowitz nói trong một thông cáo báo chí. Ông Rabinowitz là trưởng nhóm bảo tồn mèo (Panthera), đồng thời là người lãnh đạo đoàn thám hiểm sinh vật học đầu tiên vào thung lũng Hukaung trong năm 1997. Trong chuyến thám hiểm này, ông đã phát hiện một loài động vật có vú mới, đó là nai lá (leaf deer, có tên khoa học là Muntiacus putaoensis) – loài nai nhỏ thứ nhất trên thế giới với chiều cao khoảng 60 – 80 cm và đạt trọng lượng chừng 11 kg.
Ảnh: Independent.
“Việc thành lập khu bảo hổ tại thung lũng Hukaung vào năm 2004 là một bước tiến dài mang tính đột phá. Nhưng để bảo vệ toàn bộ thung lũng này nhằm đảm bảo những con hổ có thể sống và lang thang thỏa thích được xem là một thách thức to lớn. Bây giờ tôi thật vui mừng vì nhân dân và chính phủ Myanmar đã hiểu được tầm quan trọng của việc bảo tồn hổ”, ông Rabinowitz phấn khởi.
Bản đồ phân bố trên thế giới. Ảnh: The Sun
Thung lũng Hukaung là nơi cư trú của loài hổ Đông Dương hay hổ Corbett (Panthera tigris corbetti) – một trong 6 phân loài hổ còn tồn tại (3 phân loài hổ khác đã tuyệt chủng trong thế kỷ 20). Hổ bị tàn sát để lấy các bộ phận cơ thể phục vụ cho y học cổ truyền Trung Quốc, mất môi trường sống, suy giảm con mồi và xung đột giữa con người và hổ được cho các nguyên nhân làm “dân số” sụt giảm. Ngày nay, chỉ còn chừng 3.000 – 5.000 cá thể thể còn sống trong hoang dã. Và môi trường sống lý tưởng cho loài mèo lớn nhất thế giới đã giảm 41% trong thập kỷ qua.
Hổ Sumatra – Panthera tigris sumatrae còn khoảng 400 cá thể, chỉ được tìm thấy tại đảo Sumatra, Indonexia. Hổ Siberi hay hổ Amur – Panthera tigris altaica còn khoảng 450 cá thể, chỉ được tìm thấy tại vùng Viễn Đông (Nga), Trung Quốc và Triều Tiên. Hổ Đông Dương hay hổ Corbett – Panthera tigris corbetti còn khoảng 350 cá thể, chỉ được tìm thấy tại Campuchia, Lào, Malaysia, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam. Hổ Mã Lai – Panthera tigris jacksoni còn khoảng 500 cá thể, chỉ được tìm thấy lại Malaysia. Hổ Bengal – Panthera tigris tigris còn khoảng 1.800 cá thể, chỉ được tìm thấy tại Ấn Độ, Bangladesh, Bhutan, Mayamar, Trung Quốc và Nepal. Hổ Hoa Nam – Panthera tigris amoyensis sắp tuyệt chủng? Loài hổ này cực kỳ nguy cấp, các nhà khoa học đã không còn nhìn thấy nó trong hoang dã trong 25 năm qua. Hổ Caspi – Panthera tigris virgata đã tuyệt chủng trong những năm cuối thập niên 1950. Trước kia, chúng phân bố ở Afghanistan, Iran, Iraq, Pakistan và Thổ Nhĩ Kỳ. Hổ Java – Panthera tigris sondaica đã tuyệt chủng. Lần cuối người ta nhìn thấy nó là vào năm 1979. Hổ Bali – Panthera tigris balica đã tuyệt chủng. Con hổ Bali cuối cùng được cho là bị giết ở tây Bali vào năm 1937. |
Theo Vietnamnet