Năm 2040, loại trừ hết các chất làm suy giảm tầng ozone

Năm 2040, loại trừ hết các chất làm suy giảm tầng ozone

Đến năm 2040, thế giới sẽ loại trừ sản xuất, sử dụng tất cả các chất làm suy giảm tầng ozone còn lại. Thông tin này được đưa ra sáng 13/09, tại Hà Nội, trong buổi lễ kỷ niệm Ngày quốc tế bảo vệ tầng ozone (16/09/1987 – 16/09/2007) và 20 năm ký kết thực hiện Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ozone, do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức.

Theo báo cáo: Kể từ ký kết Nghị định thư đến nay, các nước đã thực hiện nghiêm túc những điều khoản này, góp phần đáng kể vào việc làm cho các chất gây suy giảm tầng ozone giảm từ 1,5 tỷ tấn (vào năm 1989) đến nay chỉ còn 52 triệu tấn. Năm 2007, Thế giới đã loại trừ 97% các chất nguy hiểm gây suy giảm tầng ozone (CFC, halon, CTC).

Để các nước đang phát triển thực hiện nghiêm túc các điều khoản đã ký trong Nghị định thư, các nước phát triển đã đóng góp xây dựng Quỹ đa phương về ozone nhằm hỗ trợ tài chính, công nghệ cho những nước này, với kinh phí hơn 2.475 tỷ USD.

Năm 2040, loại trừ hết các chất làm suy giảm tầng ozone

Tầng ozone bảo vệ Trái đất.
(Ảnh: LĐ)

Việt Nam tham gia ký kết thực hiện Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ozone từ năm 1994 cho đến nay đã làm giảm lượng tiêu thụ các chất chính làm suy giảm tầng ozone như CFC 11, CFC 12 từ 500 tấn xuống còn 75 tấn (năm 2007).

Chính phủ Việt Nam đã cấm nhập khẩu các thiết bị làm lạnh sử dụng dung môi chất lạnh CFC; Ban hành thông tư liên bộ giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Thương mại (cũ) về hướng dẫn quản lý nhập khẩu, xuất khẩu, tái nhập-tái xuất các chất làm suy giảm tầng ozone theo nghị định thư Montreal.

Để cho các điều khoản của Nghị định thư được thực hiện hoàn toàn vào 15-20 năm tới, cộng đồng quốc tế cũng đang phải đối mặt với việc bảo đảm loại trừ các chất chính làm suy giảm tầng ozone vào năm 2010; xúc tiến loại trừ sản xuất và sử dụng các chất làm suy giảm tầng ozone còn lại (HCFC và methyl bromide) để đến năm 2040 không còn sản xuất và sử dụng các chất này trên toàn thế giới.

 

Theo TTXVN, Lao động