Do chịu ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường nên nhiệt độ phổ biến ở Nam bộ giảm còn khoảng từ 17-19 độ C. Khả năng thời tiết sẽ tiếp tục se lạnh cho đến Tết.
Theo ông Đặng Văn Dũng, Trưởng Phòng Dự báo đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, do chịu ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường nên mấy ngày nay nhiệt độ thấp nhất trên khu vực Nam Bộ có giảm xuống.
Từ nay đến Tết vẫn còn tình trạng sương mù. Người tham gia giao thông phải cẩn thận, còn
người làm nông chú ý đề phòng bệnh cho cây trồng
Sáng sớm ngày hôm nay (18/1), nhiệt độ ở miền Đông đã tăng lên một ít, dao động từ 19-21 độ C. Từ ngày mai, nhiệt độ tiếp tục nhích lên nhưng không đáng kể (miền Đông khoảng 19-21o C; miền Tây 20-22oC, riêng TPHCM khoảng 20,5 – 21,5oC và còn tiếp tục tăng). Dự báo từ nay đến Tết Nguyên đán, Nam bộ sẽ chịu ảnh hưởng ít nhất là 3 đợt không khí lạnh.
Ông Dũng cũng cho biết, tình trạng xuất hiện sương mù vào sáng sớm ở các tỉnh Nam bộ cũng là do chịu ảnh hưởng của không khí lạnh. “Không khí lạnh từ lục địa Trung Quốc đi lệch về phía Đông rồi đi vào bắc biển Đông tiếp tục tràn xuống nam biển Đông và ảnh hưởng đến đất liền của khu vực Nam Bộ. Sau khi đi qua biển không khí lạnh được tăng cường một lượng ẩm khá lớn làm độ ẩm trong không khí tăng lên. Khi ảnh hưởng đến đất liền vào sáng sớm khi nhiệt độ giảm xuống, hơi nước ngưng tụ và tạo ra sương mù”, ông Dũng lý giải.
Riêng tại TPHCM, tình trạng này cũng báo động môi trường không khí bị ô nhiễm cao. Khói bụi từ các hoạt động giao thông, nhà máy, công trường…. bốc lên, gặp nhiệt độ giảm xuống khá thấp, độ ẩm cao và trời lặng gió thì ngưng tụ lại thành sương mù.
Dự báo, trong nửa cuối tháng 1/2011, sương mù còn xuất hiện tương đối nhiều vào sáng sớm. Vì vậy, người tham gia giao thông phải cẩn thận, đề phòng tai nạn do tầm nhìn bị hạn chế. Còn bà con nông dân thì cần chú ý đề phòng bệnh đạo ôn cho lúa.
TPHCM đề phòng triều cường
Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, hiện nay mực nước các sông rạch tại TPHCM đang tăng lên theo triều cường. Dự báo mực nước cao nhất tại trạm Phú An (sông Sài Gòn) đạt đỉnh vào khoảng sáng sớm ngày 22-23/1với mức nước cao nhất 1,48m (thấp hơn mức báo động III 2 cm).
Tuy nhiên, trong thời gian triều cường còn có khả năng chịu ảnh hưởng của không khí lạnh. Nếu gặp tổ hợp bất lợi: kết hợp giữa triều cường với gió mùa Đông Bắc mạnh, mực nước đỉnh triều sẽ còn đột biến dâng cao hơn.
Năm 2009, đỉnh triều tháng 1 được xem là cao nhất nhiều năm qua đạt mức 1,54m vượt báo động III.
Trước tình hình của triều cường, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn thành phố đã có cảnh báo các địa phương đề phòng và ứng phó. Đặc biệt các khu vực xung yếu như quận 12 (phường An Phú Đông, phường Thạnh Lộc, phường Thạnh Xuân); quận Thủ Đức (phường Hiệp Bình Phước, phường Hiệp Bình Chánh, phường Tam Phú, phường Linh Đông); quận Bình Thạnh (phường 28); quận Gò Vấp (phường 15); huyện Củ Chi (xã Bình Mỹ, xã Trung An); huyện Hóc Môn (xã Nhị Bình).
Theo Dân trí