Nam Cực suy giảm đa dạng sinh học nghiêm trọng khi nước biển nóng lên

Chỉ cần nước biển ở khu vực Nam Cực tăng lên 1 đến 2 độ C thì sự đa dạng sinh học của vùng biển này sẽ bị suy giảm nghiêm trọng, theo một nghiên cứu được công bố ngày 1/9.

Các nhà khoa học từ chương trình Khám phá Nam cực của Anh và Trung tâm Nghiên cứu Môi trường Smithsonian đã thực hiện thử nghiệm bằng cách đặt các tấm sưởi ở đáy biển trong khu vực Nam Cực để đo lường mức độ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu với các loài sinh vật biển địa phương.

Dù chỉ làm ấm nước trên bề mặt nhưng sự gia tăng nhiệt độ này đã gây ra “những tác động to lớn với đa dạng sinh học”, các nhà khoa học thực hiện nghiên cứu kết luận.

Sự gia tăng nhiệt độ này đã gây ra “những tác động to lớn với đa dạng sinh học”.

Nhà sinh vật học biển Jonny Stark nói với Tân Hoa Xã rằng kết quả nghiên cứu “rất đáng ngạc nhiên”. Trong quá trình quan sát kéo dài tới 9 tháng, nghiên cứu này cho thấy sự tác động của biến đổi khí hậu có thể lớn như thế nào đối với một số vùng biển trên thế giới.

Ví dụ, tại Úc nhiệt độ nước biển thường xuyên thay đổi từ 10 đến 20 độ C trong một năm khiến các sinh vật ở đây thích nghi tốt với sự thay đổi nhiệt độ. Nhưng tại Nam Cực nhiệt độ của nước biển ở đây gần như không thay đổi.

“Đó chắc chắn là một mối quan tâm, tôi không nghĩ rằng có ai muốn chỉ cần thay đổi vài độ là môi trường lại thay đổi mạnh như thế”, ông Stark cho biết.

Nghiên cứu cũng cho thấy số loài sinh vật sẽ biến mất vì thay đổi môi trường sống, nhưng một số loài đặc biệt lại phát triển, sinh sôi mãnh liệt. Hai loại sâu biển có tên khoa học là Romanchella perrieri và Fenestrulina rugula đã gia tăng số lượng cá thể lên tới 70% trong khu vực các nhà khoa học thực hiện nghiên cứu.

 

Theo motthegioi