Nam Cực từng một thời ấm áp

Vào giai đoạn ấm áp cách đây 52 triệu năm, thực vật nhiệt đới như cọ, từng phủ xanh bờ biển Nam Cực.

>>> Vùng nước sâu nhất thế giới biến mất bí ẩn

Trầm tích ở thềm lục địa gần Nam Cực đã cung cấp chứng cứ về giai đoạn nhiệt đới thời cổ đại ở nơi băng giá quanh năm hiện nay, theo BBC dẫn lời các chuyên gia của Đại học Goethe (Đức).

Nam Cực lạnh giá từng có thời ấm áp như vùng nhiệt đới

Thông qua các trầm tích thu thập được sau khi khoan xuống đáy tại vùng biển phía đông Nam Cực, các nhà khoa học khám phá ra phấn hoa hóa thạch của một cánh rừng “gần giống rừng nhiệt đới” tại lục địa băng khoảng 34-56 triệu năm trước.

Phát hiện mới đã làm nổi bật sự khác biệt quá lớn giữa điều kiện khí hậu hiện đại với quá khứ ở Nam Cực, cũng như mức độ ảnh hưởng lan rộng của tình trạng ấm lên toàn cầu trong giai đoạn khí quyển chứa đầy CO2.

Nhà khoa học Kevin Welsh tại Đại học Queensland (Úc) cho biết, các dữ liệu phân tích các phân tử phản ứng nhạy với thay đổi nhiệt độ của các trầm tích cho thấy nhiệt độ Nam Cực vào khoảng 20 độ C cách đây 52 triệu năm.

Cách đây 52 triệu năm, tức vào đầu thế Thủy Tân (hay còn gọi là thế Eocen), mật độ CO2 trong không khí cao hơn gấp đôi lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính hiện nay.

Ông Welsh trích dẫn dự đoán của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) cho rằng tình huống xấu nhất có thể diễn ra là băng tại Nam Cực sẽ tan hết “vào cuối thế kỷ này”.

“Tốc độ tan băng còn phụ thuộc lượng khí thải trong thời gian tới. Băng tại Nam Cực tan nhanh sẽ ảnh hưởng khủng khiếp đến mực nước biển trên toàn thế giới”, ông Welsh cho biết.

Chỉ cần mực nước biển tăng vài mét cũng sẽ gây ngập “một diện tích lớn đất liền tại các vùng duyên hải của nhiều quốc gia”, ông Welsh cảnh báo.

Báo cáo đăng trên chuyên san Nature.

 

Theo Thanh Niên