Nạn nhân lũ lụt Nam Á đối mặt với “khủng hoảng y tế”

Hàng triệu người bị ảnh hưởng bởi lũ lụt ở Nam Á đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng y tế nếu việc cứu trợ cho họ không được đẩy nhanh hơn, cảnh báo của Liên hiệp quốc.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Quỹ nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF), nước tù đọng đang trở thành những vùng sản sinh dịch bệnh chết người như sốt rét và sốt xuất huyết.

Thực phẩm, nước uống và thuốc men đang được phân phát cho các vùng bị ảnh hưởng, tuy nhiên do thiên tai hoành hành ở quy mô lớn nên các nỗ lực cứu trợ trở nên “chẳng thấm vào đâu“. “Nhiều làng mạc đang bị khủng hoảng y tế đe dọa nếu như người ta không đến được với họ trong vài ngày tới”, bác sĩ Marzio Babille, chủ tịch UNICEF ở Ấn Độ cho biết.

Theo WHO và UNICEF, hàng triệu người bị ảnh hưởng lũ lụt ở Nam Á đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng y tế nếu việc cứu trợ cho họ không được đẩy nhanh hơn (Ảnh: AFP)

“Nước đọng sau lũ đang trở thành nơi sản sinh bệnh tiêu chảy và các căn bệnh lây qua đường nước uống”, ông nói, và cho biết thêm trẻ em, chiếm 40% dân số Nam Á, là đối tượng bị đe dọa nghiêm trọng nhất.

Đến nay, có khoảng 28 triệu người bị ảnh hưởng do lũ ở Ấn Độ, Bangladesh và Nepal. Ấn Độ là nước bị ảnh hưởng nặng nhất, với khoảng 20 triệu người ở các bang Assam, Bihar và Uttar Pradesh bị ảnh hưởng. Ở Bangladesh, con số này là 8 triệu người và ở Nepal là 300.000 người.

Tại Nepal và Bangladesh, mặc dù mực nước đã giảm nhưng vẫn còn hàng triệu người bị cô lập trên các vùng đất cao.

Hôm qua (7-8), Bộ trưởng Nội vụ Ấn Độ Shivraj Patil và chủ tịch Đảng Quốc đại Sonia Gandhi đã đến thăm bang Bihar, nơi bị ảnh hưởng nặng nhất, giữa lúc cơn giận dữ trong người dân càng dâng cao do cứu trợ chậm chạp.

Tại bang này, có khoảng 7 triệu người bị ảnh hưởng do lũ và theo tin đưa, đã xảy ra các vụ đánh nhau để tranh giành hàng viện trợ có giới hạn.

TƯỜNG VY

 

Theo BBC, Tuổi trẻ