Nạn tàn sát cá heo tại Sri Lanka

Nạn tàn sát cá heo tại Sri Lanka

Từ nhiều năm nay, nạn tàn sát cá heo tại Sri Lanka diễn ra mà không gặp bất cứ trở ngại nào (?!). Phóng viên François Xavier Pelletier trong một chuyến thực tế đã mang lại bằng chứng về sự tàn bạo coi thường các đạo luật quốc tế đó.

Cái móc sắt vừa cắm sâu vào thịt của con cá heo. Nó vùng vẫy, cố thoát khỏi kẻ thù lạ lẫm đó. Con vật được kéo lên boong tàu, uốn éo vì đau đớn trong một vũng máu. Rít lên những tiếng kêu, con cá heo giống như đang khóc. Người dân chài đang chuẩn bị mổ bụng để lấy lưỡi lao sắt ra.

Nạn tàn sát cá heo tại Sri Lanka
(Ảnh: pbs.org)

Các ngư dân Sri Lanka bất chấp đến những người châu Âu đã bỏ tiền ra mua vé vào các hồ nuôi để chiêm ngưỡng loài cá có đôi mắt giống như người. Đối với họ, “đại dương xanh” là một kho thực phẩm khổng lồ. Hơn nữa, họ gọi cá heo là lợn biển.

Để tìm hiểu rõ hơn, phóng viên François-Xavier Pelletier đã cùng ra khơi với họ. Chuyến đi mà ông đã suýt không trở về.

“Tôi đã lên một chiếc thuyền dài 10m, trên ấy chẳng có máy vô tuyến cũng như phao cứu hộ, chỉ có một la bàn cũ kỹ. Tất cả đều trông cậy vào thuyền trưởng Gamini cùng 3 ngư dân” – Pelletier kể lại. Ngay từ lúc khởi hành, họ đã kể với ông về những con thuyền bị mất cả người lẫn của chẳng biết ở phương nào, hoặc về các ngư dân bị trôi dạt đến đảo Marquises và bị tống giam. Ngay giữa cabin là một cái bồn gazole to tướng nên chúng tôi chỉ có thể ngủ trong ấy 3 người, những người khác cố nghỉ ngơi bên cạnh máy tàu. Nó kêu ầm ĩ suốt 24/24 giờ. Còn hầm tàu dành để chứa nước đá. Điều mà tôi nhớ nhất là mùi dầu, mùi cá đến lộn mửa trên con thuyền.

“Ra khỏi bờ 170 hải lý, động cơ bị hỏng 2 lần. Với một con thuyền như thế, bất kỳ người thủy thủ nào khác cũng sẽ quay trở về bến. Nhưng điều này không thể có được đối với ngư dân Sri Lanka vốn chỉ sống bằng nghề biển. Thử tưởng tượng nỗi hãi hùng của tôi khi biết rằng chẳng ai trên thuyền biết về máy móc cả. Tôi phải tự mình sửa chữa, chẳng còn cách nào hơn”.

“Như mọi tối, thủy thủ đoàn thả lưới để bắt cá. Một hôm, một cơn bão nổi lên, lớn chưa từng thấy trong suốt 25 năm đi biển của tôi. Biển trắng xóa bọt, sóng phủ trùm lên con thuyền. Cách duy nhất là cột mũi thuyền vào lưới. Nếu sợi dây này bị đứt, thuyền sẽ bị cuốn phăng như một cọng sậy. Các ngư dân quỳ trước bàn thờ Phật để thắp nhang cầu nguyện. Sáng hôm sau, chúng tôi tìm thấy một con cá heo bị chết do vướng lưới. Ngư dân xẻ thịt nó để làm mồi câu cá mập. Sau đó họ ăn quả tim, xem đó như là món thượng hạng”.

Ngư dân Sri Lanka thường nhờ cá heo để tìm luồng cá. Họ biết rằng khi có cá heo trên mặt biển, tức dưới sâu có thể có cá ngừ. Nhưng khi không bắt được cá ngừ, họ quay sang bắt cá heo. Đôi khi 5 chiếc thuyền có thể mang về đến 65 xác cá heo. Cảng Beruwella có hơn 200 chiếc thuyền chài bắt được trung bình mỗi năm 3.000 con cá heo. Nhưng giá trị thì chẳng bao nhiêu: chỉ 12 euro một con, rẻ hơn cá ngừ vàng 20 lần và rẻ hơn cá mập 10 lần.

Sự tàn sát này diễn ra một cách âm thầm, bất chấp Chính phủ Sri Lanka đã ký kết một đạo luật lập khu bảo tồn cá voi và cá heo trong Ấn Độ Dương. Và từ năm 1993, một thỏa ước quốc tế đã quy định phạt tù tối đa 2 năm đối với những ai giết, mua hay bán cá heo và cá voi trong vùng biển đó. Nhưng kết quả hầu như là số không. Bởi vì một khi ngư dân Sri Lanka chưa được trang bị tốt để đánh bắt cá ngừ, khi chưa có máy dò luồng cá, thảm kịch đối với cá heo sẽ vẫn tiếp tục.

Các chuyên gia ước tính rằng mỗi năm có đến 30.000 con cá heo bị giết. Các tổ chức bảo vệ cá heo đang ra sức kêu gọi Chính phủ Sri Lanka nhanh chóng vào cuộc để ngăn chặn nạn bắt cá heo trên.

Minh Luân

 

Theo VSD, CAND.com.vn