Cách đây không lâu khi được mời tham dự Hội nghị Năng lượng Sinh học Georgia tại Đại học bang Georgia (Mỹ), Giáo sư vật lý đã nghỉ hưu nay là lão nông 70 tuổi Jimmy Griner ở quận Berrien mang theo bình chất lỏng trong suốt và thơm phức đã gây chú ý đối với không ít đại biểu. Đó là ethanol, nhiên liệu được chưng cất từ lúa mì mà ông kỳ vọng có thể giúp giải quyết vấn đề năng lượng quốc gia.
Công ty của Giáo sư Jimmy Griner mỗi năm cung ứng cho thị trường gần 40.000 lít ethanol sản xuất từ lúa mì. (Ảnh: cbsnews.com) |
Bang Georgia hiện có một số công ty năng lượng sinh học. Năm ngoái, những công ty này xuất xưởng hơn 11 triệu lít ethanol và diesel sinh học với phần lớn được tiêu thụ ở các bang khác. Sắp tới, một nhà máy sản xuất ethanol từ bắp với công suất thiết kế gần 400 triệu lít/năm sẽ được khởi công ở thành phố Camilla. Một công ty khác đang có kế hoạch đầu tư 150-200 triệu USD cho nhà máy nhiên liệu sinh học từ chất cellulose trong gỗ ở phía Nam bang Georgia, dự kiến mỗi năm sẽ cho ra 200 triệu lít ethanol.
Ngoài ra, chính quyền bang đã tài trợ gần 1 triệu USD cho nhà máy lọc nhiên liệu sinh học đặt tại Đại học Georgia và công trình nghiên cứu chuyển hóa cellulose trong cây thông thành ethanol của Viện Công nghệ Georgia. Do diện tích rừng thông hiện chiếm hơn 60% diện tích đất rừng nên bang Georgia có lợi thế trong việc sản xuất ethanol từ gỗ thông. Mỗi năm sản lượng nhiên liệu được tạo ra từ 18 triệu tấn gỗ phế thải sẽ giải quyết 18% nhu cầu xăng và nhiên liệu diesel của bang. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng phải mất nhiều năm nữa mới có thể hoàn thiện công nghệ sản xuất thương mại ethanol từ gỗ thông.
Khoảng 500 nông dân, nhà khoa học, kỹ sư và chính trị gia khắp nước Mỹ và một số đến từ quốc gia láng giềng Brazil – một trong những nước đi đầu về phát triển năng lượng sinh học – tham dự hội nghị đã trải qua 3 ngày bàn thảo tương lai của các nguồn năng lượng toàn cầu, giá trị kinh tế của nhiên liệu sinh học… và những loại nông sản có thể chuyển hóa thành nhiên liệu. Hội nghị cũng giới thiệu các loại máy kéo và xe tải vận hành bằng ethanol được chế biến từ cây trồng ở địa phương như quả đào, lúa mì, gỗ thông và một số phương tiện vận chuyển khác được chạy bằng dầu diesel sinh học làm từ mỡ gà, đậu phộng, đậu nành…
TUYẾT HỒNG
Theo AP, Báo Cần Thơ