Nhiệt độ toàn cầu dưới tác động của biến đổi khí hậu đã dần hình thành một khái niệm mới “tăng đều qua từng năm” và giờ đây là “từng tháng”.
Số liệu của NASA và Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA) ghi nhận, tháng 3/2016 đã thiết lập kỷ lục là tháng nóng nhất trong lịch sử và là tháng nóng kỷ lục thứ 6 liên tiếp tính từ cuối năm 2015 tới nay.
Chính con người và ngành công nghiệp với khói bụi và xỉ than đã “bóp nghẹt” hơi thở của Trái Đất.
Nguy cơ tiệm cận tăng hơn 2 độ C chỉ trong nay mai
Trang The Guardian dẫn báo cáo của Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA) cho biết, nhiệt độ trung bình toàn cầu trong tháng 3/2016 đã cao hơn 1,07 độ C so với ngưỡng toàn cầu của thế kỷ 20. Mức nhiệt độ này được ghi nhận đã phá vỡ kỷ lục được thiết lập hàng thế kỷ nay. Đây cũng là tháng có biên độ nhiệt lớn nhất từng thấy trong tất cả các tháng.
Dữ liệu nhiệt độ trung bình toàn cầu tháng 3 của JMA.
Trong khi đó, NASA đưa ra số liệu có phần sai lệch không đáng kể. Nhiệt độ trung bình toàn cầu trong tháng 3 do NASA công bố là 1,28 độ C, cao hơn so với mức trung bình trong giai đoạn 1951-1980. Tuy nhiên con số này vẫn thấp hơn so với kỷ lục hồi tháng 2 trước đó là 1,34 độ C. Tháng 3 gần nhất phá vỡ kỷ lục nhiệt độ trung bình toàn cầu là tháng 3/2010 với mức nhiệt độ 0,92 độ C.
Tháng 2 trước đó được khẳng định là tháng nóng nhất trong lịch sử khí tượng. Theo các nhà khoa học, nguyên nhân dẫn tới hiện tượng này chủ yếu do biến đổi khí hậu và các hiện tượng bất thường như El Niño. Đặc biệt, đây là một “cú sốc” khá nặng đối với các nhà khoa học môi trường và là tín hiệu cảnh báo sớm cho con người về một tương lai u ám nếu không có “biện pháp chữa trị” kịp thời cho khí hậu toàn cầu.
Bắc bán cầu là tâm nóng của hiện tượng Trái Đất nóng lên trong tháng 3/2016. (Ảnh NASA).
Theo nhiều phép đo của JMA và đối chiếu số liệu của Cơ quan Khí quyển và Đại Dương Mỹ (NOAA) tính từ năm 1891 trở lại đây cho thấy, đây là tháng thứ 11 liên tiếp xuất hiện những kỷ lục về nhiệt độ trung bình toàn cầu.
Bắc Cực chắc chắn là “tâm nóng” hàng đầu của hiện tượng Trái Đất nóng lên. Theo số liệu công bố của NASA, diện tích băng biển Bắc Cực đạt mức tối đa 14,5 triệu km2 vào ngày 24/3 vừa qua, mức gần như thấp nhất so với quy mô hàng năm thông qua vệ tinh quan sát.
Mức độ giảm dần trong năm tới nhưng sẽ tiếp tục có tháng nóng kỷ lục tiếp theo?
Biến đổi khí hậu thường được đánh giá qua từng năm và qua nhiều thập kỷ. Nhưng trật từ này đang dần bị xáo trộn thay vào đó, thời gian bị rút ngắn nay chỉ còn một tháng trong vài năm gần đây. Tính riêng từ tháng 10/2015 tới nay, Trái Đất đã trải qua 6 tháng nóng nhất trong lịch sử.
Tính riêng từ tháng 10/2015 tới nay, Trái Đất đã trải qua 6 tháng nóng nhất trong lịch sử.
Mục tiêu duy trì ngưỡng nhiệt độ trung bình toàn cầu an toàn 2 độ C trước khi hết thế kỷ này có vẻ sẽ không như mong đợi của giới lãnh đạo trên thế giới, đặc biệt các cường quốc phát thải khí nhà kính như Mỹ và Trung Quốc.
Mặc dù các hiện tượng thời tiết như El Niño cũng tham gia thúc đẩy sự biến đổi mạnh mẽ của khí hậu, đặc biệt gây nên hiện tượng Trái Đất nóng lên. Nhưng trên hết, chính con người và ngành công nghiệp với khói bụi và xỉ than đã “bóp nghẹt” hơi thở của Trái Đất bằng cách tạo ra một màng chắn đủ vững chắc, nhốt giữ khí nhà kính và gây rối loạn khí hậu toàn cầu.
Tất nhiên, tốc độ gia tăng khí thải nhà kính cũng sẽ đồng nghĩa với việc Trái Đất sẽ ngày một nóng hơn và sớm thôi, con người có thể phải trải nghiệm cảm giác “mùa đông như mùa hè”.
Tuy nhiên, theo giáo sư Adam Scaife thuộc văn phòng Met Office tại Anh Quốc (cơ quan dự báo thời tiêt quốc gia nước Anh) cho biết, kỷ lục nhiệt độ vẫn sẽ còn tái diễn nhưng với cười độ ít hơn trong năm 2017 tới, phần lớn do sự suy yếu của hiện tượng El Niño.
Theo vnreview