Theo các nhà nghiên cứu thuộc trường đại học Royal Holloway của London, loài ong có khả năng tính toán để tìm ra quãng đường ngắn nhất bay tới các bông hoa mà chúng phát hiện ra, theo một trình tự ngẫu nhiên giống như một chiếc máy tính biết so sánh độ dài của tất cả các tuyến đường có thể có và chọn con đường ngắn nhất để đi.
Kết quả trên được công bố sau một thời gian các nhà nghiên cứu tiến hành làm thí nghiệm sử dụng máy tính điều khiển hoa nhân tạo để kiểm tra hành vi của loài ong. Họ nhận ra rằng, sau khi phát hiện ra vị trí của những bông hoa, những con ong luôn tìm được con đường ngắn nhất để tiết kiệm thời gian và năng lượng đến được chỗ của bông hoa, thay vì đi theo một lộ trình đơn giản là theo trật tự những bông hoa chúng phát hiện thấy.
Khi phải đi kiếm mật hàng ngày, những con ong sẽ bay tới các bông hoa ở nhiều địa điểm rất khác nhau, có khi cách xa tới hàng km và chúng phải sử dụng rất nhiều năng lượng cho các chuyến bay như vậy. Cách tiết kiệm năng lượng là tìm ra con đường ngắn nhất để tới đích.
Bộ não chỉ nhỏ bằng hạt giống cỏ của chúng đã khiến nhiều nhà nghiên cứu ngạc nhiên về khả năng có thể phân tích và tính toán, xác định khoảng cách trong khi con người hiện đại lại sống phụ thuộc quá nhiều vào mạng lưới luồng giao thông, thông tin internet và chuỗi cung ứng thông tin.
Các nhà nghiên cứu hy vọng có thể làm rõ cơ chế hành vi này của loài ong để từ đó giải quyết các vấn đề ở con người.
Theo Bee, Guardian