Năm 1927, tiến sĩ Edgar Beall – một nhà não tướng học người Mỹ – được gọi ra tòa làm nhân chứng cho một vụ giết người. Tại đây, ông đã công bố những nghiên cứu của mình về hình dáng hộp sọ của bị cáo Rush Snyder và kết luận rằng chị ta có “khuôn mặt lưỡi cày giống một con mèo”.
Theo ông, đó là mẫu điển hình của “sự vô ơn bạc nghĩa, lừa đảo, và ham mê giết người”. Cùng với những bằng chứng khác (tuy chưa rõ ràng), tòa án đã xử tử hình người đàn bà này về tội danh giết chồng.
Đó là thời kỳ cực thịnh của môn não tướng học, một môn giả khoa học (đưa ra các kết quả không dựa trên các phương pháp nghiên cứu khoa học, giống như chiêm tinh, xem tướng tay, bói chữ), được ứng dụng trong đánh giá tội phạm.
Não tướng học thực chất là dựa vào hình dạng đầu và các bướu trên đầu để nhận dạng tính cách con người, dự báo tương lai của họ. Dựa vào điều này, thậm chí người ta còn nghĩ ra loại máy tự động phát hiện tội phạm.
Khái niệm về não tướng học được nhà khoa học Áo Franz Joseph Gall (1758-1828) nói đến đầu tiên, và ông được coi là người sáng lập môn này. Các “nhà tiên tri” dùng đầu ngón tay và lòng bàn tay kiểm tra những vùng lồi lõm trên hộp sọ để tìm các bướu có đặc điểm riêng của từng cá nhân. Kết hợp với đo hình thể của hộp sọ bằng compa, các bướu trên đó giúp họ xác định tính cách, khả năng, thậm chí dự báo các vấn đề trong tương lai như nghề nghiệp, sức khỏe, vận hạn.
Theo họ, hộp sọ người được chia thành 27 vùng có liên quan đến các chức năng khác nhau; ví dụ vùng 1 là bản năng sinh sản, vùng 3 liên quan đến bệnh tật, vùng 5 liên quan đến bản năng ăn thịt… Các nhà não tướng học cho rằng các bướu ở đầu có liên quan đến bản đồ não. Đại loại, nếu một người có bướu to ở khu vực nào đó thì “vùng” đó sẽ hoạt động mạnh hơn những chỗ khác (nếu rơi vào “vùng” số 5 thì đó sẽ là một kẻ giết người không ghê tay).
Đã có thời kỳ, môn bói toán này có nhiều liên hệ với các ngành khoa học khác như thần kinh học, giải phẫu sọ não và các chức năng não, thông qua việc thăm khám hộp sọ. Nó được sự chấp nhận rộng rãi, thậm chí là hoan nghênh của các bác sĩ thần kinh, được coi như một công cụ hữu dụng trong khám chữa bệnh.
Các nhà bói sọ não thậm chí gặt hái nhiều thành công trong giải phẫu học sọ não và các chức năng. Vào thế kỷ 20, nó có nhiều liên hệ với lĩnh vực khoa học thực chứng như tội phạm học, và thuyết tiến hóa thịnh hành thời kỳ đó. Khoa sọ não học và nhân trắc học đã sử dụng
Nhà khoa học Áo Franz Joseph Gall (1758-1828) – (Ảnh: creationism)
những phương pháp đo lường sọ não và khuôn mặt để xác định sự cải tiến về nhận dạng tiến hóa và quản lý tội phạm. Nhưng càng về sau, nó càng xa rời khoa học tự nhiên và phát triển theo hướng dựa vào những điều huyền bí.
Từng là chỗ dựa cho chủ nghĩa phát xít
Một nhà não tướng học nổi tiếng thế kỷ 20 là Bernard Hollander đã xuất bản cuốn sách Não tướng khoa học, được coi là phương pháp luận của môn này. “Phương pháp luận” này được những người theo chủ nghĩa phân biệt chủng tộc (trong đó có chủ nghĩa phát xít) coi là các cơ sở “sinh học” và bằng chứng “khoa học” để khẳng định sự tồn tại của chủng tộc thượng đẳng.
Giáo sư người Bỉ Paul Bouts cũng đưa ra phương pháp sư phạm dựa trên công thức mới 3 trong 1 cho não tướng học, đó là: Đồ họa hình học – Bói chữ – Tâm lý học.
Người ta cho rằng chính nhà phát minh Thomas Edison (1847-1931) đã bị môn này mê hoặc. Ông từng không tin khi được một nhà não tướng học nhận xét là có trí tuệ của một nhà phát minh, cho đến khi điều đó thành sự thật. Điều này cho thấy ở thời kỳ đỉnh cao, não tướng học đã len lỏi vào nhiều lĩnh vực như y học, chính trị, nghệ thuật và ảnh hưởng không nhỏ tới xã hội. Một nhà não tướng học có thể “bói” ra những tội phạm trong tương lai, vì thế có thời kỳ người ta đã dự tính bỏ tù trước những “kẻ giết người trong tương lai”.
Vào những năm 1930, các “nghiên cứu mới nhất” về não tướng học liên tục được công bố, các nhà “khoa học” của môn này xuất hiện ở khắp nơi. Người ta còn phát minh ra một cái máy làm thay công việc của họ. Chỉ cần ngồi vào nghế, chụp chiếc “mũ tinh thần” lên đầu, chiếc máy kỳ quái này sẽ kiểm tra 27 vùng của hộp sọ và đưa ra kết quả về tiền vận, hậu vận của gia chủ (chiếc máy này hiện được trưng bày tại viện bảo tàng ở Minneapolis).
Sau thời kỳ này, với sự phát triển của các ngành khoa học tự nhiên, môn não tướng bị chỉ trích nặng nề từ giới khoa học như thần kinh học, tâm lý học… Người ta cho rằng sẽ rất hồ đồ nếu chỉ chia não thành 27 vùng, và hơn nữa không thể tìm ra sự liên hệ giữa hệ thống tế bào não với hình dạng của hộp sọ. Cuối cùng, do không thể tìm ra một bằng chứng nào làm chỗ dựa cho não tướng học, môn này đã lụi tàn, có thể nói là chấm dứt hoàn toàn sau cái chết của giáo sư Paul Bouts vào năm 1999.