Cánh máy bay mới bao gồm 8 bộ phận có độ cứng khác nhau, nhờ vậy nó có thể dễ dàng uốn vặn, thay đổi hình dạng.
Các kỹ sư ở Viện Công nghệ Massachusetts và Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đang chế tạo loại cánh máy bay mới gồm 8 bộ phận nhỏ làm từ sợi nano giúp nó có thể uốn cong và “biến hình”, Nature World News hôm 5/11 đưa tin.
Các loại máy bay hiện nay đều phụ thuộc vào các hệ thống cánh dọc, cánh ngang to lớn, kềnh càng để có thể chuyển hướng bay hoặc tăng hạ độ cao, trong khi loài chim có thể làm như vậy bằng một cú đập cánh rất nhẹ nhàng.
Loại cánh máy bay mới có thể uốn vặn và “biến hình”. (Ảnh: NASA/ Kenneth Cheung).
Cánh máy bay mới có thể giúp máy bay chuyển hướng, tăng giảm độ cao như loài chim bằng cách thay đổi hình dạng của cánh, thay vì sử dụng các loại cánh phụ. Loại cánh này được bọc trong lớp vỏ dẻo màu cam với các mảnh ghép chồng lên nhau, giống như một bộ lông hoặc vảy. Điều này khiến cấu trúc của nó trở nên mềm dẻo và bề mặt trơn nhẵn hơn.
Lớp vỏ cánh máy bay được cấu tạo từ màng polymide có độ dày 0,127mm. Trong đó, mỗi bộ phận có độ cứng khác nhau, nhờ vậy phần cánh trở nên dễ dàng uốn vặn. Hai mô tơ nhỏ có khả năng vặn toàn bộ cánh, điều chỉnh cách bay của nó khi đang di chuyển trên bầu trời.
Kỹ thuật mới này sẽ được lắp trên máy bay tự động và máy bay không người lái loại nhỏ. Nếu thành công, hệ thống này có thể khiến các chuyến bay trở nên yên tĩnh, êm ái hơn và nâng cao hiệu suất hoạt động. Ngoài ra, thiết kế mới cũng giúp giảm nhẹ quá trình sản xuất và giảm tiêu thụ năng lượng. Các nhà nghiên cứu hy vọng trong tương lai sẽ có những chuyến bay sử dụng đôi cánh có thể vỗ giống như cánh chim.
“Công nghệ này sẽ thay đổi hoàn toàn cấu trúc của máy bay”, Kenny Cheung, trưởng nhóm dự án của NASA cho biết.