Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ NASA đã phạm phải một sai lầm khó hiểu khi đặt nhầm đỉnh Everest vào Ấn Độ, trong khi thực tế đỉnh núi cao nhất thế giới nằm ở biên giới Nepal và Trung Quốc.
Trên trang chủ của mình, NASA cho biết bức ảnh do nhà du hành vũ trụ Nga Yuri Malenchenko đã chụp từ Trạm vũ trụ quốc tế ISS ở cách trái đất 370km, cho thấy đỉnh Everest có màu sáng bạc do tuyết phủ.
Tấm hình này đã được chia sẻ lại rất nhiều trên Twitter và được nhiều cơ quan báo chí sử dụng, trong đó có tờ The Atlantic của Mỹ, hay trang web chuyên về hàng không vũ trụ Space.com và kênh truyền hình cáp MSNBC.
Tuy nhiên, người Nepal đã đặt nghi ngờ về bức hình này. Nhà báo Kunda Dixit viết trên Twitter: “Xin lỗi tất cả mọi người, chấm trắng kia không phải là đỉnh Everest”.
Ngày 13/12, NASA đã xác nhận rằng họ đã mắc sai sót và dỡ bức ảnh khỏi trang chủ của mình.
“Đó không phải là Everest, mà là Saser Muztagh, nằm ở dải Karakoram thuộc vùng Kashimir ở Ấn Độ”, một người phát ngôn của NASA trả lời AFP qua email.
Tuy nhiên, ông này không giải thích tại sao bức hình được chụp từ trạm vũ trụ lại định vị sai như vậy.
Hiện trên ISS có các nhà khoa học của Mỹ, Nga, Nhật, Canada và châu Âu làm việc.
Đỉnh Everest cao 8.848 mét thường là đích ngắm của các nhà du hành vũ trụ khi chụp ảnh từ vũ trụ. Nhưng theo nhà du hành Ron Garan, người đã ở ISS năm ngoái, thì việc chụp ảnh đỉnh núi này cũng khá khó khăn.
“Nếu chúng ta muốn nhắm vào một điểm cụ thể nào đó thì trước tiên chúng ta phải biết đích xác vị trí của nó khi bay ngang qua”, Garan nói trên tờ The Atlantic.
Theo Vietnam+