Các nhà khoa học thuộc Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đã sử dụng vệ tinh SWIFT để chụp không gian ở nhiều góc độ và lập bản đồ các lỗ đen trong khoảng cách dưới 400 triệu năm ánh sáng.
Bản đồ này bao gồm hơn 200 lỗ đen siêu lớn được gọi là AGN (Active Galactic Nuclei – các hạt nhân ngân hà hoạt động), nhiều nhất so với mọi cuộc nghiên cứu từ trước đến nay.
Các AGN có khối lượng tương đương hàng triệu tỷ lần khối lượng Mặt trời nhưng tập trung trong một không gian có kích thước như hệ Mặt trời.
Khái niệm “hoạt động” trong tên của các lỗ đen này thể hiện qua việc chúng hút một số lượng lớn khí và các sao ở gần và phát ra năng lượng khổng lồ.
Vệ tinh SWIFT được NASA phóng lên năm 2004, với nhiệm vụ ban đầu là nghiên cứu các luồng tia gamma trong vũ trụ nhưng cũng có thể dùng để quan sát các tia X năng lượng cao như trong trường hợp nghiên cứu các lỗ đen lần này.
Kết quả nghiên cứu sau 9 tháng của NASA cho thấy hầu như toàn bộ các dải ngân hà trong vũ trụ của chúng ta đều có một lỗ đen nhưng một số đang “ngủ” trong khi một số khác hoạt động như các AGN.
Bản đồ các lỗ đen trong khoảng cách 400 triệu năm ánh sáng |
PHƯƠNG THẢO
Theo Nhân dân, Futura-Sciences, Tuổi trẻ