Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đang lên kế hoạch biến một hố trên Mặt trăng thành phòng thí nghiệm khoa học cho các robot.
Biến Mặt trăng thành phòng thí nghiệm robot
Theo NASA, hố Shackleton trên vùng cực nam của mặt trăng có thể được biến thành “một ốc đảo ánh sáng mặt trời ấm áp, được bao quanh bởi một sa mạc bóng tối giá buốt ở mức đóng băng”.
NASA muốn dùng kính định nhật chiếu sáng và sưởi ấm hố Shackleton trên mặt trăng để biến nó thành phòng thí nghiệm khoa học cho các robot. (Ảnh minh họa: NASA)
Thí nghiệm tạo lập địa hình sử dụng các cỗ máy tự hành sẽ khiến cho môi trường hố trên mặt trăng giống với trên Trái đất hơn và cho phép các robot làm việc bên trong nó phân tích các vật liệu mang về sau các cuộc đào bới. Khu vực được chọn làm “phòng thí nghiệm” sẽ có kích thước tương đương một sân bóng đá, nằm trên một thung lũng có diện tích gấp đôi thủ đô Washington của Mỹ.
NASA đã lên kế hoạch đưa các máy biến thế chạy bằng năng lượng mặt trời vào hố Shackleton, nhằm cung cấp nguồn điện thiết yếu cho các nhà khoa học robot cũng như làm nóng. Theo các chuyên gia, trong bóng tối, hố mặt trăng này có nhiệt độ vào khoảng -173°C, nhưng hàng loạt gương phản xạ Mặt trời hay kính định nhật, có thể rọi sáng và làm ấm không gian.
“Từ góc thấp trên đường chân trời, các tia mặt trời không bao giờ chiếu sáng qua các đỉnh núi vào thung lũng, cho tới khi các kính định nhật lắp đặt trên các đỉnh núi này và tái điều chỉnh các tia mặt trời chiếu rọi xuống để tạo thành ốc đảo ánh nắng. Nơi này sẽ trở thành một phòng thí nghiệm khoa học lớn và là nơi sản xuất hyđro và oxy dạng lỏng, cung cấp nhiên liệu cho các chuyến du hành xuyên hành tinh lớn nhất bên ngoài Trái đất”, chuyên gia Adrian Stoica đến từ phòng thí nghiệm chuyển động phản lực của NASA ở Pasadena, California, giải thích.
Các gương phản xạ sẽ được các cỗ máy tự hành chuyên chở theo khắp miệng hố Shackleton, để chúng có thể trải rộng ra khi cần và sử dụng để chiếu ánh sáng mặt trời vào hố. Một kính định nhật đơn lẻ, với đường kính 40 mét có thể phản xạ ánh sáng để cung cấp năng lượng cho một đội xe tự hành cỡ tàu thám hiểm Curiosity ở cách xa nó 10km nhằm ngăn chúng bị đóng băng.
Ông Stoica giải thích thêm rằng, các hệ thống tạo lập địa hình như vậy có khả năng hướng năng lượng vào các môi trường khắc nghiệt cực điểm, chẳng hạn như hố Shackleton, và biến đổi chúng thành các vi môi trường ôn hòa, phù hợp cho robot và thậm chí cả con người cư trú, làm việc.
Kế hoạch trên đã được đưa vào đề xuất cấp vốn giai đoạn 2 của NASA, đòi hỏi cung cấp 500.000 USD cho các nghiên cứu kéo dài 2 năm, theo trang PopScience.
Bước tiếp theo là thiết kế một kính định nhật gập nhỏ thành một khối lập phương có kích thước 1 mét mỗi bên và nặng dưới 100kg. Cấu trúc như vậy khi trải rộng sẽ phải che phủ khắp 3.261 mét.
Theo VietNamNet