Lần đầu tiên trong 40 năm, các nhà nghiên cứu thuộc Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ tìm thấy nguyên tử oxy trong tầng trung lưu của hành tinh đỏ.
Theo Science Alert, nhóm nghiên cứu ở NASA sử dụng máy bay khảo cứu tầng bình lưu dành cho ngành thiên văn học hồng ngoại (SOFIA), đặt trên một chiếc máy cách Trái Đất 13,7km. Phát hiện oxy trong tầng bình lưu của sao Hỏa có thể giúp các nhà thiên văn học tìm hiểu không khí biến mất khỏi hành tinh đỏ như thế nào.
Các nhà khoa học NASA quan sát và đo đạc lượng nguyên tử oxy trên sao Hỏa. (Ảnh: IFL Science).
Dù phát hiện có ý nghĩa quan trọng trong việc tăng cường hiểu biết về sao Hỏa, ngôi nhà tiềm năng mới cho loài người, các nhà nghiên cứu chỉ tìm thấy lượng oxy bằng một nửa so với kỳ vọng. Lần gần nhất nguyên tử oxy được quan sát thấy trên khí quyển sao Hỏa là trong các nhiệm vụ tàu Viking và Mariner vào thập niên 1970. Nguyên nhân là do bầu trời màu xanh của Trái Đất.
“Nguyên tử oxy trong khí quyển sao Hỏa rất khó đo lường. Để quan sát những bước sóng viễn hồng ngoại và phát hiện nguyên tử oxy, các nhà nghiên cứu phải ở phía trên bầu khí quyển Trái Đất và sử dụng thiết bị cực nhạy, trong trường hợp này là máy quang phổ kế. SOFIA đáp ứng cả hai yêu cầu trên“, Pamela Marcum, nhà khoa học chỉ đạo dự án SOFIA, cho biết.
Trước đây, bầu khí quyển dày đặc và ẩm ướt của Trái Đất khiến giới nghiên cứu thiên văn rất khó nhìn thấy chính xác vũ trụ bên ngoài. SOFIA là một chiếc máy bay phản lực Boeing 747SP trang bị kính viễn vọng đường kính 254cm có thể bay lên phía trên khí quyển Trái Đất để cung cấp tầm quan sát rõ hơn. Nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục sử dụng SOFIA để đo đạc những nơi khác trên sao Hỏa nhằm đảm bảo số liệu họ thu được không phải là kết quả của biến động khí quyển.
Theo VnExpress