NASA sẽ đưa người tới thiên thạch?

Cơ quan hàng không vũ trụ quốc gia Mỹ (NASA) đang theo đuổi Chương trình Chòm sao, theo đó sẽ triển khai phi thuyền Orion để thay thế tàu con thoi, trước tiên là thực hiện các chuyến bay lên Trạm không gian quốc tế (ISS), sau đó đưa con người và hàng hóa lên Mặt trăng. Tiếp theo đó sẽ là sứ mệnh viễn chinh đến sao Hỏa và các hành tinh xa hơn. Tuy nhiên, chương trình này không gây chú ý bằng dự án đưa phi hành đoàn lên thiên thạch hay còn gọi là vật thể gần Trái đất (near-Earth object, NEO) đang gây khá nhiều tranh cãi trong giới khoa học vũ trụ.

Các chuyên gia công nghệ không gian đề xướng ý tưởng này cho rằng sứ mệnh đưa người tới thiên thạch, một khi thành công sẽ mang lại rất nhiều lợi ích và có thể tạo tiền đề cho những chuyến du hành đến Mặt trăng, sao Hỏa và các thiên hà xa xôi. Tuy nhiên, với không ít người, các NEO là những hiểm họa chực chờ trước mắt, có khả năng va đụng vào Trái đất nên điều cần làm là tìm hiểu những “quái vật di động” này càng sớm càng tốt.

Theo đề án của NASA, 2 hoặc 3 phi hành gia sẽ bay đến NEO trong hành trình dài 90-120 ngày, trong đó họ sẽ lưu lại đó trong 1 hoặc 2 tuần. Theo Harrison Schmitt, cựu phi hành gia từng tham gia phi thuyền Apollo 17 và hiện là chủ tịch Hội đồng Tư vấn NASA, sứ mệnh đưa người tới NEO là ý tưởng khả thi, và sẽ là cơ hội để thử nghiệm tính năng của các hệ thống trong chương trình Chòm sao cũng như để “khắc phục những lỗ hổng kỹ thuật” trước khi tiến đến sao Hỏa.

Mô phỏng hành trình phi thuyền tiếp cận NEO. (Ảnh: Space.com)

Cho tới thời điểm này, theo nguồn tin từ tập đoàn Lockheed Martin Space Systems – đơn vị chế tạo phi thuyền Orion, NASA vẫn chưa đề cập tới việc cải tiến tàu Orion để đảm nhận sứ mệnh đưa người lên NEO. Song, từ hai năm qua, Lockheed Martin đã tự bỏ tiền túi nâng cấp công nghệ nhằm đảm bảo Orion có khả năng vươn tới những điểm đến khác ngoài ISS.

Một chuyên gia của Lockheed Martin cho rằng dưới góc độ kiến trúc, ý tưởng thực hiện chuyến bay khứ hồi tới thiên thạch là không khó, nhưng về mặt kỹ thuật nó đòi hỏi động cơ của phi thuyền phải có sức đẩy cực mạnh, cùng với yêu cầu phải có khoang sinh hoạt lớn cho phi hành đoàn, cũng như hệ thống cung cấp ôxy và nước. Ngoài ra, hành trình từ Trái đất đến NEO rồi quay về Trái đất là chuyến đi dạng “mở”, với quãng đường xa hơn so với đến Mặt trăng nên rủi ro sẽ nhiều hơn. Thế nên, một trong những điều cần thiết là “phụ đạo” tâm lý cho các phi hành gia.

Mới đây, công ty DigitalSpace ở Santa Cruz, bang California đã công bố mô hình giả lập hành trình đưa người đến NEO mà theo Druce Damer, nhà sáng lập DigitalSpace, thì “rất có ích cho dự án nghiên cứu tiền khả thi của NASA sẽ hoàn tất trong năm nay”.

Theo Clark Chapman, nhà khoa học về hành tinh tại Viện Southwest ở Colorado, nghiên cứu về NEO sẽ cung cấp nhiều khái niệm cả về khoa học lẫn thực tế, bởi nhiều lý do như NEO có cấu tạo từ những vật chất phổ biến và khác lạ so với vật chất hiện diện gần bề mặt Trái đất, NEO có trọng lực không đáng kể… Do vậy NEO là nguồn “nguyên liệu thô” cho hoạt động khám phá khoảng không vũ trụ của con người trong tương lai.

Cũng quan tâm tới NEO, hiện nay các chuyên gia của tập đoàn Ball Aerospace & Technologies đang nghiên cứu thiết kế trang thiết bị khám phá NEO từ ngoài vào trong. Thiết bị này nhỏ cỡ quả bóng rổ, nặng vài trăm gram, và một khi được thả xuống sẽ rơi tự do vào bề mặt của NEO và bắt đầu truyền kết quả thu thập được về tàu vũ trụ. Nó được đánh giá có thể lọt vào tầm ngắm của NASA.

N.Minh

 

Theo MSBC, Báo Cần Thơ