Người đứng đầu Cơ quan hàng không vũ trụ (NASA) Mỹ Micheal Griffin thừa nhận rằng, tàu con thoi cùng Trạm vũ trụ quốc tế ISS và gần như toàn bộ các chương trình vũ trụ có người lái trong ba thập kỷ qua của Mỹ là những dự án sai lầm.
Ông Griffin cho biết, NASA đã mất phương hướng từ những năm 70 thế kỷ trước, khi cơ quan vũ trụ đã dừng chuyến bay lên mặt trăng của tàu Apollo để chế tạo tàu con thoi và trạm vũ trụ chỉ hoạt động như vệ tinh trên quỹ đạo Trái đất.
Ông thừa nhận đây là hướng đi không đúng, và người Mỹ phải thay đổi mà ít gây ảnh hưởng nhất tới chương trình vũ trụ hiện nay.
Tàu con thoi đã phải trả giá bằng mạng sống của 14 nhà du hành vũ trụ kể từ chuyến bay đầu tiên năm 1982. Theo ông Roger Pielke Jr., một chuyên gia tại Trường đại học Colorado ước tính NASA đã tiêu tốn khoảng 150 tỷ USD trong chương trình vũ trụ này kể từ khi bắt đầu năm 1971. Tổng chi phí cho trạm vũ trụ cho tới khi hoàn chỉnh vào năm 2010 hoặc muộn hơn có thể vượt quá 100 tỷ USD, mặc dù một số quốc gia khác sẽ cùng chia sẻ gánh nặng này.
Ông Griffin cho biết, tới nay Mỹ mới khôi phục lại chương trình vũ trụ quốc gia. Tuần trước ông tuyên bố, NASA dự định đưa các nhà du hành trở lại Mặt trăng vào năm 2018 trong một tàu vũ trụ có hình dáng khoang tàu giống với tàu Apollo.
Mục tiêu quay trở lại Mặt trăng của người Mỹ đã được Tổng thống Bush vạch kế hoạch từ năm 2004, trước khi ông Griffin nhận công việc trưởng điều hành NASA. Theo ông Bush, tàu con thoi sẽ bị ngừng sử dụng vào năm 2010.
Ông Griffin đã tuyên bố rằng ông nhìn nhận tàu con thoi và trạm vũ trụ quốc tế là bị lạc lối. Ông trình bày trước Quốc hội đầu năm nay rằng tàu con thoi là “sai lầm nghiêm trọng” và trạm vũ trụ quốc tế là không xứng với chi phí, rủi ro và khó khăn khi đưa người lên vũ trụ.
Ông Joe Rothenberg, phụ trách chương trình vũ trụ có người lái của NASA từ năm 1995 tới 2001, lại bảo vệ chương trình vũ trụ là những bài học để hiểu biết cách thức vận hành trong vũ trụ, nhưng ông cho rằng nên thực hiện bằng phương thức khác.
Theo Nhân Dân