Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) vừa tiếp tục công bố những hình ảnh mới nhất được lấy từ tàu vũ trụ New Horizons đang gửi về trong sứ mệnh thăm dò tại Sao Diêm Vương.
Thêm những hình ảnh mới nhất về sao Diêm Vương
Khoảng 15 phút sau khi New Horizons ở cự ly gần nhất với hành tinh lùn, tàu thăm dò này đã chụp được tấm ảnh toàn cảnh đặc biệt trên. Bức ảnh có bề rộng tới 1255km đã phần nào tiết lộ về địa hình gồ ghề trên bề mặt Sao Diêm Vương.
Những hình ảnh mới nhất về bề mặt Sao Diêm Vương đã làm các nhà khoa học phải sửng sốt. Trên bề mặt hành tinh lùn không chỉ tồn tại các dãy núi băng hùng vĩ mà còn có các dòng sông băng tràn ngập nitrogen thể rắn và sương mù lơ lửng ở tầng thấp. Chưa kể vùng phía Bắc của thiên thể này cũng có nhiều điểm rất khác lạ.
Nhà khoa học Will Grundy đến từ Đài thiên văn Lowell, Flagstaff, Arizona, cho rằng, lớp khói mù di chuyển bên trên bề mặt cao gần 100km là những lớp khí nitrogen, đồng thời chu kỳ thời tiết trên tiểu hành tinh này cũng có phần tương đồng với Trái Đất.
Theo nhà khoa học Alan Stern, người dẫn đầu sứ mệnh New Horizons của NASA, cho biết: “Hình ảnh này thực sự làm cho mọi người có cảm giác như đang ở trên chính Sao Diêm Vương và đi khảo sát cảnh quan xung quanh… Nhưng ảnh này cũng là một điều may mắn đối với các nhà khoa học, bởi nó đã tiết lộ những chi tiết mới về bầu khí quyển, núi, sông băng và đồng bằng của Sao Diêm Vương”.
Bức ảnh cho thấy Sao Diêm Vương có một chu kỳ thủy văn giống với Trái Đất. Trong đó nước bốc hơi từ bề mặt sẽ bay vào trong không khí sau đó rơi xuống thành mưa. Nhưng thay vì là nước, nhóm thực hiện sứ mệnh New Horizons nghĩ rằng khí nitrogen đã tạo ra hiện tượng này trên hành tinh nhỏ.
Ở bên phải trung tâm hành tinh lùn, vốn được đặt trên trước đó là Sputnik Planum, xuất hiện những khối băng nitrogen bay hơi từ các đồng bằng và lớp mặt là các khu vực mở rộng.
Một hình ảnh cận cảnh khác lại cho thấy, những dòng sông băng đã trượt từ vùng được che phủ bởi lớp khí nitrogen (bên phải) xuyên qua một thung lũng nhỏ hẹp (mũi tên đỏ) và đi vào vùng đồng bằng Sputnik Planum (mũi tên màu xanh bên trái). Những đặc điểm này khá giống với các suối sông băng trải dài xung quanh các tảng băng lớn ở Nam Cực và đảo Greenland.
Lớp băng dường như được tạo ra từ khi nitơ đông lạnh tích cụ trên các vùng núi cao ở phía bên phải của hình ảnh rộng gần 630km này.
New Horizon sẽ tiếp tục gửi những hình ảnh khác mới nhất về tiểu hành tinh đặc biệt này trong thời gian tới. Hy vọng, công chúng sẽ có thể chiêm ngưỡng thêm những hình ảnh cấu tạo địa chất và các vùng tối còn lại của Sao Diêm Vương.
Theo Vnreview