Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) hôm qua thông báo sẽ xây dựng một căn cứ quốc tế vĩnh viễn ở một trong các vùng cực của Mặt trăng, nhằm phục vụ cho các nghiên cứu khoa học và làm cơ sở cho sứ mạng đưa con người lên sao Hỏa.
NASA sẽ chọn một “nơi định cư xa trên Mặt trăng” sau các chuyến thám hiểm ngắn những năm 1960. Khi ấy tàu Apollo đã bay vòng quanh khu vực trung tâm Mặt trăng, tuy nhiên NASA đã quyết định đến các vùng địa cực do chúng là nơi định cư lâu dài tốt nhất. Hiện NASA đang sẵn lòng chào đón các quốc gia khác tham gia dự án này.
NASA hôm qua đã công bố kế hoạch trở lại và xây một căn cứ trên Mặt trăng (Ảnh: TTO) |
Theo Scott Horowitz, người phụ trách các sứ mạng thăm dò của NASA, để lên Mặt trăng, NASA sẽ dùng tàu thăm dò Orion và một tàu thăm dò vạn năng có thể hạ cánh xuống bất kỳ nơi nào và bắt đầu xây một căn cứ.
Năm 2004, sau thảm họa tàu con thoi Columbia, tổng thống Bush đã thông báo kế hoạch đưa các phi hành gia quay trở lại Mặt trăng vào năm 2020, sau đó là kế hoạch lên sao Hỏa.
Năm ngoái, NASA nói họ đã chi 104 tỷ USD cho chuyến quay trở lại Mặt trăng đầu tiên, tuy nhiên các quan chức NASA hôm qua đã từ chối xác nhận chương trình Mặt trăng vĩnh viễn sẽ “ngốn” một khoản chi phí cao hơn. Họ chỉ nói khoản chi phí này nằm trong khả năng ngân quỹ của NASA.
Kế hoạch lên Mặt trăng của NASA dự kiến như sau:
Năm 2009: thử nghiệm bước đầu một trong các tàu vũ trụ lên Mặt trăng.
Năm 2014: chuyến bay thử nghiệm có người lái đầu tiên bằng tàu Orion, tuy nhiên con tàu này chưa đáp xuống Mặt trăng.
Năm 2020: chuyến bay đầu tiên của 4 phi hành gia lên Mặt trăng.
Trong 4 năm, căn cứ trên Mặt trăng sẽ không được xây dựng cho các chuyến viếng thăm dài ngày, vì vậy các phi hành gia chỉ sẽ ở đấy khoảng 1 tuần mỗi lần lên Mặt trăng. Sau đó, theo hình dung của NASA, con người có thể sống trên Mặt trăng trong 6 tháng.
NASA cũng hy vọng khí oxy, hydro và các nguồn tài nguyên khác của Mặt trăng có thể được sử dụng để cung cấp cho căn cứ này.
TƯỜNG VY
Theo AP, BBC, Xinhua, Tuổi trẻ