Một toà lâu đài thì gồm có những gì nhỉ? Nó sẽ có nhiều phòng ốc, những lối đi ngầm, những căn phòng bí mật, cả những lời câu chuyện huyền bí xung quanh. Và trong những bộ phim có sự tham gia của các toà lâu đài như một bối cảnh chính thì người ta thường chẳng thể nào khám phá hết được. Quả thật, so sánh một đứa trẻ với một toà lâu đài chắc chỉ nhà văn ấy mới nghĩ ra. Bởi nếu ai từng đọc tác phẩm Vừa nhắm mắt, vừa mở cửa sổ của anh, đắm mình trong những ngôn từ trong veo của trẻ thơ, mới thấy hết cái ý nghĩa “một toà lâu đài” mà anh nhắc tới…
Ừ thì nuôi một đứa trẻ, chúng ta sẽ cần nâng niu, cưng nựng nó. Nhưng đôi khi, vì mải nâng niu, cưng nựng mà người ta quên không tôn trọng và coi nó cũng như một người lớn. Trẻ con mà, mỏng manh lắm. Đỡ nó từ tay bác sĩ mà ai cũng sợ làm đau nó. Rồi trái nắng trở trời, nó dễ dàng bị virus cảm cúm xâm hại, rồi cơ thể yếu ớt sức đề kháng dễ dàng bị viêm nhiễm nhiều thứ. Để rồi những người mẹ tính tình cũng thay đổi như thời tiết phải xoay như chong chóng với con. Tình yêu người mẹ dành cho con thì luôn bao la. Nhưng thi thoảng, tôi vẫn nghe đâu đó người ta nói nuôi con lớn để rồi sau này nó phụng dưỡng, để có người dựa vào khi tuổi già đau yếu. Nhưng muôn đời, con cái thì thích theo đuổi những giấc mơ, chạy đi khắp thế giới, biết tới bao giờ thì dừng chân. Còn tuổi già thì lao tới như một cơn gió, nếu không biết chăm lo cho chính mình mà dựa hoài vào con cái, có ngày sẽ như một người bác của tôi, khóc hết nước mắt khi con muốn đi xa làm ăn. Và rồi luôn than trách là con bất hiếu vì đã không biết công ơn bố mẹ dưỡng dục khó nhọc chừng nào.
Mỗi ngày lên mạng lại thấy các mẹ chia sẻ nhan nhản các bí quyết dạy con thông minh, tự lập, và đưa con ra với “bão tố” ngay từ khi còn nhỏ để con trưởng thành hơn. Nhưng thực tế cuộc sống, tôi vẫn thấy có những bà mẹ chỉ hơi mở cửa sổ một chút đã sợ con bị nhiễm lạnh và cúm, hoặc vẫn cho con ngồi trên những chiếc xe “con kiến”, để bà hoặc ông thong dong đi khắp xóm đút cháo cho cháu ăn chỉ bởi vì: “Đi làm về mệt bở hơi tai mà nó lại không chịu ăn cho. Mà không chịu ăn thì ông bà lại bảo nó còi, mẹ không biết nuôi. Thôi thì buông cho ông bà nuôi”. Thế những gì các chị đọc và chia sẻ chỉ để làm vui thôi ư?
Một toà lâu đài đẹp được xây từ nền móng vững chắc nhất, với chất liệu bền nhất, tốt nhất và được những người thợ xây cất lên từng ngày, từng ngày. Xây một toà lâu đài với kết cấu phức tạp, phân bổ chi tiết từng li từng tí đòi hỏi sự kiên nhẫn lớn lao. Mà những người mẹ bây giờ hình như họ có ít thời gian quá. Ít thời gian cộng với các áp lực từ thế hệ đi trước, thành ra lại dễ đầu hàng và rồi sau này họ rơi vào cái vòng luẩn quẩn: đi xét nét con nhà hàng xóm. Từ lúc nào, họ lại trở thành hình mẫu như chính bố mẹ của họ hồi xưa mà họ đã từng muốn thoát ra.
Con khoẻ, con đẹp, con thông minh là điều ai cũng muốn, cũng mong. Nhưng có mấy ai đủ lòng thành để nuôi con không cần báo đáp, để tới khi con lớn, con sẽ thoả sức vẫy vùng trên đôi cánh của nó, còn mình thì tận hưởng sự nhàn rỗi mà hai chục năm có lẻ mới được thảnh thơi. Và mấy ai đủ kiên trì để tham gia vào từng giờ, từng phút trong hành trình trưởng thành của con. Quyết tâm buông con ra để đương đầu với cuộc sống ngay từ bé, từ những điều nhỏ nhất để có bão táp, mưa sa vẫn đứng vững chãi. Để rồi càng theo thời gian, nó sẽ càng mang lại các giá trị cao hơn như những toà lâu đài trong các câu chuyện, bộ phim.
Và hãy đối xử với một đứa trẻ như một toà lâu đài với cả tâm hồn và sự kiên nhẫn lớn lao để bạn sẽ không còn phải xuýt xoa ao ước trước những đứa trẻ tự lập hay không làm bố mẹ đau đầu trên mạng nữa.
Phương Lâm
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.